Xem nhiều nhất
BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000
Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Pho tượng Bà chúa Kim cương Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc
Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Pho tượng Bà chúa Kim cương Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc
Hiện nay, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang trưng bày hiện vật quý giá được xem là Bảo vật Quốc gia từ thế kỷ 17, đó là pho tượng Bà chúa Kim cương – Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Đây là pho tượng cổ thể hiện nét đẹp văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của dân tộc ta, đồng thời cũng ca ngợi tín ngưỡng thờ Mẫu – vốn là một nét đẹp của Phật giáo Việt Nam ta. Chúng ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy hình ảnh một nhân vật như Thái Hậu, Hoàng hậu, Công chúa… được tạc tượng và thờ cúng trong các ngôi chùa. Hãy cùng Vietnam Gallery tìm hiểu về pho tượng Bà chúa Kim Cương Trịnh Thị Ngọc Trúc qua bài viết dưới đây.

                     

                                          Tượng Bà chúa Kim Cương Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc  

Chất liệu: Gỗ phủ sơn

Kích thước: 111 x 67 x 4.5 cm

Thời gian sáng tác: Thế kỷ 17

Hiện vật Pho tượng Bà chúa Kim cương hiện đang được trưng bày tại Phòng 5 ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trước đây, bức tượng được giữ tại chùa Mật Sơn (Thanh Hóa).

Về Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc

Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660) là con gái Thanh đô vương Trịnh Tráng. Năm 1630, Vua Lê Thần Tông bị ép lấy con gái của Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc làm Hoàng hậu đầu tiên của vị vua này. Bà là một trong sáu bà vợ của Vua Lê Thần Tông được tạc tượng thờ ở chùa Mật Sơn. 

                                                           Chùa Mật (Chùa Đại Bi) ở Thanh Hóa

Chùa Mật là ngôi chùa hiếm có tại Việt Nam cùng thờ vua Lê Thần Tông và 6 bà Hoàng hậu, Phi tần của ông. Nổi bật trong số đó là bức tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được chuyển về Viện Viễn Đông Bắc Cổ, nay được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là người chuyên tâm nghiên cứu bộ kinh Kim Cang, sùng bái đạo Phật, vì thế bà được nhân dân xưng tụng là Bà chúa Kim Cương. Có thời bà đã làm lễ qui y tại Ninh Phúc tự còn gọi là chùa Bút Tháp tại xã Đình Tổ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Bà chúa được thiền sư Chuyết Chuyết ban cho bà pháp danh là Pháp Tánh. Từ đó bà vừa tu luyện vừa được dịp học hỏi nghiên cứu sâu xa thêm về kinh điển của nhà Phật.

Về sự nghiệp văn chương của nhà nữ học giả Trịnh Thị Ngọc Trúc, không những chỉ sáng tác thơ phú, mà bà còn công phu biên khảo thành bộ từ điển Hán - Nôm đề “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”. Toàn bộ sách, tác giả diễn giải bằng văn vần, thể lục bát, dài trên 3000 câu, tổng số cả Hán lẫn Nôm có 24 ngàn chữ. Được bà chia làm 40 chương. Đủ cả thiên văn, địa lý, nhân luận, cách trí, lục phủ ngũ tạng… cho đến những vật dụng gia đình cùng binh khí, nhạc cụ, điển lễ…

Đây được đánh giá là bộ từ điển song ngữ Hán-Nôm được chuyển giải theo tính cách Bách khoa toàn thư đầu tiên có ở nước ta và học giả Trịnh Thị Ngọc Trúc là người phụ nữ đầu tiên soạn từ điển Hán-Nôm. 

Bộ sách mang tầm cỡ chấn hưng văn hoá nước nhà, nêu cao nền kinh tế phát triển ở Đàng Ngoài. Cùng sự phồn thịnh ở Phố Hiến, nơi trung tâm thương mại từ miền Bắc với các nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… Quyển từ điển của bà còn cho ta biết vào thời đó, ngay ở Thăng Long đã có thương nhân Hà Lan. Tác phẩm lại còn chỉ rõ về tình hình chính trị của đất nước dưới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nhất là thời vua Lê chúa Trịnh ở miền Bắc.

Pho tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Chúc được liệt vào danh sách Bảo vật Quốc gia

Pho tượng thể hiện hình ảnh của Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc – một nhân vật lịch sử của dân tộc. Bà ngồi trong tư thế xếp chân bằng kiểu kiết già toàn phần; một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia ngang ngực kết ấn Vô Úy. Thế tay này tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh, đồng thời cũng thể hiện sự từ bi độ lượng, tâm Phật của nhân vật được tạc tượng. Các chi tiết đặc sắc của pho tượng được thể hiện ở nhiều điểm sau. Thứ nhất là chiếc vương miện được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều lớp khác nhau, vành vương miện ôm sát đầu chạm vân xoắn. Vành thứ hai chạm các cụm sen nổi cao. Vành trên cùng chạm thủng hình hoa sen và vân lửa rất đặc trưng cho thiết kế và điêu khắc thế kỷ 17. Phía trước trán của tượng, đỉnh của vành mũ được chạm hình vòng cung, trong đó có tượng A Di Đà ngồi tọa thiền. Đây cũng là biểu tượng thường thấy trên các pho tượng Quan Âm và là dấu hiệu đặc trưng cho việc Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là người quy y Phật Pháp. Bên trong vành mỹ chạm lối vấn tóc cao trên đỉnh đầu và một tấm che tóc cũng chạm rất cầu kỳ tương tự như các tượng Quan Âm thế kỷ 17. Từ dưới mỹ là hai dải mũ được chạm vắt mềm mại ra phía trước vai.

Thứ hai, trang phục của pho tượng so với hầu hết các tác phẩm điêu khắc tượng hoàng hậu thế kỷ 17, là loại trang phục triều đình được thiết kế cầu kỳ nhất với ba lớp áo trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên này được các chuyên gia đánh giá là một trong những tấm áo được chạm trổ đẹp nhất với motif lưỡng long triều phụng trước ngực (đôi rồng chầu phượng). Áo phía dưới có ba lớp đính châu ngọc tinh tế và kỹ lưỡng. Cổ bà đeo chuỗi hạt rủ mềm xuống lòng đùi. Cuối cùng, điểm nhấn đặc sắc nhất của pho tượng chính là gương mặt của Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ ca oba ngấn. Pho tượng Hoàng Thái Hậu Bà chúa Kim cương này được đánh giá là một trong những tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ 17.

                     

Ngôn ngữ tạo hình của pho tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật Phật giáo tượng trưng với điêu khắc chân dung tả thực. Nhìn một cách tổng thế, pho tượng mang vẻ đẹp quý phái, nho nhã. Nét mặt tôn tượng trông thông tuệ, đôn hậu, trang phục tinh tế, tinh xảo, cao sang, quyền quý.

Đa số các tranh, tượng chân dung của người Việt thời trung đại thường được phục dựng, vẽ, tạc với mục đích thờ phụng là chủ yếu. Tất cả những chi tiết, đường nét từ gương mặt, trang phục của nhân vật luôn được chú trọng miêu tả.

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được thể hiện với mái tóc dài rất đẹp. Ngoài kim cài tóc và bảo quan đội đầu được trang trí cầu kỳ, tinh xảo có thể thấy rằng việc tạo hình búi tóc chính là cách thức quen thuộc ta thường gặp trên các loại tượng, phù điêu thể hiện hình tượng các nhân vật nữ giới trong không gian tín ngưỡng của người Việt giai đoạn thế kỷ 17. Tóc bà được vén gọn trên đỉnh đầu, tạo thành kiểu búi tóc có dáng như tai thỏ và được buộc gọn bằng một dải lụa. Bên cạnh đó, phần tóc ôm sát đầu lại được chia thành nhiều lọn nhỏ và tạo thành các múi đều nhau. Tóc ở sau gáy tượng được cố định bằng tấm vải đỏ, đuôi tóc buông dài và phần tóc ngang vai lại được buộc hờ bằng sợi vải đỏ và bôi sáp óng mượt.

Ở tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, tác giả cũng vô cùng tinh tế khi đi vào những chi tiết tinh xảo, phần kim cài tóc được trang sức với châu báu, mặt trước có tạo dáng hình cánh sen nhiều lớp. Mặt sau của phần này ở tượng để trống, lộ rõ búi tóc phía dưới. Kim cài tóc được cố định trên búi tóc bằng chiếc trâm cài. Bảo quan có kết cấu dạng tam sơn, mở ở chỗ búi tóc, đai mũ được ôm sát đầu. Mặt trước Bảo quan được tạo tác giống như hình tượng một chiếc vương miện chạm khắc tỉ mỉ, trên đó gắn nhiều loại trang sức, châu báu; điểm nhấn là hình tượng Đức Phật tọa thiền trên đài sen. Hào quang của Đức Phật tỏa ra trong bố cục hình lá bồ đề với những chi tiết ảo mộng xung quanh như hoa văn mây lửa, tạo thành một đỉnh của tam sơn. Hai đỉnh còn lại cũng có bố cục hình lá đề nổi lên từ trên đài sen ở phía trên hai tai. Mặt sau Bảo quan có cấu tạo đơn giản hóa hơn so với mặt trước, khi chỉ được trang trí bằng hoa văn mây cuốn hai lớp to bản.

Bảo quan dạng tam sơn của tượng có gắn tượng Đức Phật ở trước trán là bảo quan của Ngài Quan Âm Bồ Tát. Qua hệ thống tượng chân dung các bà Hoàng, bà Chúa được làm vào thế kỷ 17, có thể thấy phần lớn trong đó đều được mang lễ phục hoàng gia và đội bảo quan của đức Quan Âm Bồ Tát. Tiêu biểu như bức tượng chân dung Hiền phi Trương Thị Ngọc Lãnh, tượng chân dung bà Vương phủ đệ nhị cung tần Trần Thị Ngọc Am… Người xưa cho rằng Đạo Phật đã trở thành nhân tố quan trọng, phù trợ cho vận nước bền vững bền vì vậy tầng lớp quý tộc phong kiến đã ra sức xây dựng chùa, tháp. Mặt khác, cửa cửa chùa cũng là nơi các bà Hoàng, bà Chúa gửi gắm ước vọng và tâm tư, là chỗ dựa tinh thần cho họ lúc tuổi già và ngay cả khi đã lìa xa cõi tạm. Họ vốn là những người tích cực tham gia vào việc dựng chùa, tô tượng, làm nhiều việc phúc đức. Nhiều người là những bậc tu tập đã được công nhận là đạt đến quả vị vị lai Phật, có sắc phong hoặc thụy hiệu, được xưng tôn là những vị Phật, Bồ Tát cứu thế. Họ được bầu Hậu, tạc tượng thờ. Hoàng Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là người vốn có căn tu hành, có công dựng chùa tô tượng ở nhiều nơi; hệ thống văn bia ở chùa Bút Tháp công nhận bà là “hậu thân của Bồ tát giáng sinh”, “Thánh Thiện Hoàng hậu”, được phong tặng danh hiệu “Thánh Thiện Bồ tát”.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận Pho tượng Bà chúa Kim cương Trịnh Thị Ngọc Trúc là “Bảo vật Quốc gia”.

 

Chia sẻ :

BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000