Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang lưu giữ và trưng bày rất nhiều bảo vật quý, trong số đó có không ít tượng Phật giáo ở các thời kỳ. Một trong những bảo vật được xếp hạng cấp Quốc gia chính là pho tượng Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ. Đây được xem là công trình đồ sộ và kỳ vĩ, được tạo hình kỳ công, mãn nhãn với những giá trị lịch sử và nghệ thuật quý báu của dân tộc. Pho tượng Phật Bà Quan Âm cũng trở thành biểu tượng cho nét đẹp văn hóa và nghệ thuật đặc sắc. Bức tượng độc bản này mang trong mình những giá trị nghệ thuật vô cùng ấn tượng và ngoạn mục, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.
Với trường hợp của pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ, việc pho tượng này được an vị tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thể được xem là một sự may mắn thần kỳ khi trải qua thời gian loạn lạc của đất nước, cho đến những năm 60 của thế kỷ trước, nếu không nhờ duyên trời định, có lẽ pho tượng đã bị hóa do hoàn cảnh lịch sử - xã hội của đất nước lúc bấy giờ.
Tượng Phật Quan Âm là biểu trưng cho những giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam, kết tinh tình thương vô bờ và giá trị nghệ thuật đỉnh cao của văn hóa và tinh thần Phật giáo
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi trưng bày những tác phẩm thuộc hạng mục Bảo vật Quốc gia
Mùa hè năm 1965, các cán bộ trẻ của Bảo tàng, trong đó có ông Nguyễn Đỗ Bảo qua hỏi thăm và trình bày về nhiệm vụ của mình, những người nông dân nơi đây đã chỉ tay về ngôi chùa đổ nát bên cạnh. Ngôi chùa Hội Hạ lúc này bị bỏ hoang, không có sư trụ trì và đồng thời cũng là nơi lưu giữ pho tượng cổ Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Việc tìm thấy pho tượng và được đưa về Bảo tàng là một cơ duyên tiền định bởi chỉ chậm một thời gian nữa thì pho tượng đã bị mất đi vĩnh viễn. Pho tượng sau khi rời khỏi chùa Hội Hạ được vận chuyển, phục chế hoàn thành trong năm 1965 để chuẩn bị cho dịp mở cửa bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 24/6/1966. Hầu hết những ai có cơ hội chiêm bái đều vô cùng trầm trồ trước vẻ đẹp, sự kì vĩ của pho tượng. Nhiều nhà khoa học cũng xem đây là hiện vật ẩn chứa rất nhiều thông tin, giá trị lịch sử nên việc nghiên cứu rất được coi trọng.
Hình ảnh đầu tiên của pho tượng khi lần đầu tiên được phát hiện bởi cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật năm 1965
Trải qua niên đại hàng trăm năm tuổi, pho tượng cổ này có vẻ như đã được định đoạt một số phận riêng, được người đời tìm cách lưu giữ qua nhiều thế hệ. Sau lần tháo dỡ năm 1965, pho tượng bị tách rời thêm hai lần dưới sự kiểm soát của Bảo tàng để đi sơ tán ở Tuyên Quang và Đà Lạt, tránh nguy cơ bị phá hủy trong những năm tháng bom rơi bão đạn ở miền Bắc.
Pho tượng Quan Âm được chế tác từ chất liệu gỗ, với chiều cao 3,15m, nặng hơn 3 tấn. Tổng thể pho tượng được tạo hình theo lối chắc khỏe, được chia làm hai phần bao gồm phần thân tượng và phần bệ của tượng. Phân tích về hình tượng của tượng, Phật Quan Âm được xây dựng với hình ảnh có 42 tay, đôi tay chính chắp trước ngực ở thế Liên Hoa Hợp Chưởng. Trong đó hai tay đặt dưới lòng thì kết ấn thiền định, và mỗi bên vai tượng thì bao gồm 19 cánh tay trông mềm mại với bàn tay trong các tư thế kết ấn.
Ngài Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là một vị Phật quan trọng trong văn hóa Á Đông và Phật giáo. Ngài được tin rằng có năng lực và sức mạnh siêu nhiên cứu khổ cứu nạn, trở thành hình tượng một vị Bồ tát nhân từ và quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo đối với tất cả chúng sinh. Hình tượng của ngài đã được thể hiện với vẻ đẹp uy nghiêm, trang trọng, với kết ấn tọa thiền, thân đắp pháp y trang nghiêm và 42 đôi tay, mỗi tay cầm một biểu tượng và bình báu để thể hiện tinh thần cứu rỗi chúng sinh thoát khỏi các kiếp nạn.
Giá trị to lớn của kiệt tác "nghìn mắt nghìn tay" không chỉ xuất sắc bởi tính thẩm mỹ mà hơn hết chính là tinh thần nhân văn "cứu độ chúng sinh" trong tinh thần của Phật giáo
Tượng Phật Bà Quan Âm mang trong mình dòng chảy của văn hóa lịch sử và nghệ thuật dân tộc. Tác phẩm tượng thủ công độc bản này hàm chứa tinh thần nhân văn của Phật giáo, thể hiện được tinh hoa và tư tưởng cốt tủy của đạo Phật. Ngài Quan Âm có thể hóa độ mọi chúng sinh, và những cánh tay vươn ra thể hiện uy lực dũng mãnh và trí tuệ thấu suốt, cũng như sự cảm thông, lắng nghe và cứu độ chúng sinh mỗi khi gặp hoạn nạn.
Đặt trong dòng chảy của Phật giáo, với những di sản tượng Phật qua nhiều thời kỳ, tượng được chế tác và dựng dưới thời Lý, thường được chạm khắc bằng đá với kích thước lớn, tiêu biểu như bức A Di Đà ở chùa Phật Tích. Ở thời nhà Trần, chất liệu tượng bằng đồng được ưa chuộng và phổ biển hơn cả. Các công thức tạc tượng thời kỳ trước thường được truyền bá bằng kinh, sách cùng với những kinh nghiệm bí truyền của từng nơi theo bối cảnh chính trị và cảm quan của người đúc tượng. Với pho tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tỷ lệ tượng vẫn được người thợ tuân thủ theo các quy tắc chung như “tọa tứ lập thất” tức là tượng ngồi bằng 7 tỷ lệ đầu. Đây cũng được xem là tỷ lệ vàng theo quan niệm ở các nước phương Tây, cho thấy trình độ điêu khắc đỉnh cao của người Việt cổ hàng trăm năm trước.
Tỷ lệ pho tượng Bảo vật Quốc gia tuân theo các quy tắc chung "tọa tứ lập thất" (tượng ngồi bằng 4 tỷ lệ đầu, đứng bằng 7 tỷ lệ đầu)
Trải qua nhiều thời kỳ, các lãnh đạo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua nhiều thế hệ đều công nhận rằng việc gìn giữ pho tượng Phật Quan Âm là quyết định đúng đắn và nhờ những giá trị nghệ thuật to lớn, tượng Phật Quan Âm chùa Hội Hạ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật Quốc gia ngày 30/12/2013.
Pho tượng Phật Bà Quan Âm chính là chứng nhân lịch sử cho những thăng trầm của đất nước. Một tác phẩm tượng điêu khắc trải qua nhiều sự biến thiên của thời gian và lịch sử, đồng hành cùng vận mệnh của đất nước, dân tộc, là bệ đỡ cho đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân ta, cùng lan tỏa những giá trị nhân văn đến muôn nơi thì pho tượng đó thật xứng đáng với danh xưng Bảo vật Quốc gia./.