Sơn mài từ một chất liệu thủ công truyền thống của Việt Nam nhưng ngày càng được những họa sĩ tài danh biến thành một chất liệu hội họa. Sơn mài Việt Nam có chỗ đứng không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra tầm quốc tế. Có thể kể đến những tên tuổi họa sĩ sơn mài nổi tiếng Việt Nam như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Hữu Hùng…Đây là những tên tuổi nghệ sĩ lớn làm nên tên tuổi của sơn mài Việt Nam, góp phần tạo dựng chỗ đứng cho dòng tranh này trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới thế kỷ 20.
Xuất hiện không nhiều những sáng tác cá biệt, nhưng mang tính dự báo cho sự chuyển dịch của tranh sơn mài theo dòng chảy của nghệ thuật đương thời Việt Nam.
Cùng điểm qua triển lãm tranh sơn mài nổi bật diễn ra thời gian gần đây với những tác phẩm trải dài theo thời gian từ hiện đại đến đương thời để thấy rõ sự biến đổi và chuyển dịch mạnh mẽ trong sáng tác sơn mài Việt Nam hiện nay.
Nguồn gốc tranh sơn mài ở Việt Nam
Tại Việt Nam, những vết tích đầu tiên về chất liệu độc đáo này đã được khai thác cách đây hàng trăm năm trước Công Nguyên. Vào thời Đinh (930 – 950), người Việt ta đã biết sử dụng mủ của cây sơn để trét thuyền. Lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần, nhiều cổ vật, pho tượng gỗ hay đất được sơn son thếp vàng vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Đến đời vua Lê Nhân Tông (1443 – 1460), Trần Thượng Công mới được tôn vinh là bậc thầy đầu tiên của ngành nghề này. Các học trò của bậc thầy sơn mài này đã lập phường thợ tỏa đi khắp nơi, những người thợ giỏi được triều đình nhận vào nội phủ để trang trí nội thất trong cung điện. Vì thế chúng ta có thể thấy vết tích sơn mài ở thành nội Huế, Huế hiện này là nơi chứa đựng những dấu tích và tác phẩm sơn mài còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất.
Việc sáng tạo ra tranh sơn mài luôn phụ thuộc vào vấn đề và yếu tố thời tiết – thích hợp nhất là mùa xuân và mùa hạ. Điều đó cho thấy rõ sự phân bố làm nghề sơn mài không những chia theo khu vực mà còn có yếu tố liên kết phục vụ lẫn nhau. Làng nghề sơn mài Đình Bảng (Tiên Sơn – Bắc Ninh) thường lấy quỳ vàng, quỳ bạc của làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm), lấy giấy dó của làng Đông Cao, lấy vải màn của làng Đình Cả, lấy vóc hoặc sản phẩm chạm khắc của làng Phù Khê. Làng nghề cũng có những nguồn nguyên liệu phong phú để phục vụ cho công tác lưu giữ tranh sơn mài truyền thống như lấy nguồn sơn thô của mảnh đất Phú Thọ, Yên Bái và lấy nguồn dầu trẩu, dầu tram của Lạng Sơn, Cao Bằng…
Nghệ nhân sơn mài Việt Nam xưa từng có kỹ thuật hom, bó sơn hoặc pha chế nhựa sơn màu và nước sơn, biết vẽ và sáng tạo ra những mẫu trang trí, biết đắp sơn nổi và chạm trổ. Tuy vậy, nghề sơn mới dừng ở mức độ phục vụ cho điêu khắc như phủ lên tượng, hay tô vẽ trang trí vật dụng cung đình, đồ thờ cúng trong dân gian. Những bức tranh được các họa sĩ thực hiện bằng sơn ta hiện tìm thấy sớm nhất có thể kể đến như một số tranh chân dung vua Lý Nam Đế và hoàng hậu.
Hà Nội ngày nay vẫn là đầu mối hàng đầu tập trung các loại nguyên liệu và các bậc chế tác nghệ thuật sơn mài nổi tiếng. Đa phần họ có gốc thành viên của các làng nghề truyền thống nhập cư Hà Nội và cũng tạo nên nét đặc trưng của 36 phố phường ngày xưa.
Sơn mài truyền thống có thể chia ra làm 3 loại. Thứ nhất là loại sơn quang, được dùng phổ biến và chủ yếu trên các vật dụng bằng mây, tre, gỗ như hộp, khay… có nhuộm màu nhẹ, được phổ biến nhiều trong nghệ thuật dân gian. Loại thứ hai là sơn son thếp vàng thường chỉ được thấy trong các gia đình quyền quý, các nhà thờ, đình, chùa, nhất là các lăng tẩm, cung điện vua chúa… Ngày nay ta có thể thấy sơn son thếp vàng được sử dụng ở các pho tượng, câu đối, hộp, kiệu võng, án thư… trong những di tích lịch sử cổ hoặc bảo tàng ở Việt Nam. Điểm chung của những tác phẩm sơn son thếp vàng thường sử dụng các màu như đen, đỏ, thếp vàng, màu xanh lục, màu lam đậm, màu trắng ngà… Lối vẽ màu đơn thuần không có sắc độ và tách biệt nhau rành mạch, tạo hình mang tính trang trí.
Ngày nay, nhiều họa sĩ sử dụng thêm một loại sơn mài khác cách tân hơn đó là sơn mài đắp nổi. Các chi tiết đắp nổi được làm bằng hỗn hợp trộn giữa bột đá non, tro mo cau và giấy tinh giã nhuyễn. Loại sơn mài này thường được thấy trong nội phủ, hoàng cung với rất nhiều chi tiết hoa văn phong phú, bắt mắt như rồng, phượng, tứ linh…
Để thể hiện một tác phẩm sơn mài thực thụ, người họa sĩ cần chuẩn bị cho công đoạn phác thảo màu và phác thảo nét trên giấy. Can đường nét họa tiết ở phác thảo xuống vóc, sau đó tô sơn, vẽ các chi tiết của hình trước, rồi tiếp đến là quét trùm nền phông sau cùng. Sau khi sơn khô, nghệ sĩ sử dụng đá mài, than mài hoặc giấy ráp để mài tranh với nước, mài mặt tranh đến khi phẳng. Khi mài lớp màu phía trên mỏng dần, ta sẽ thấy lớp dưới dần hiện ra, để lộ các chi tiết đã được vẽ ban đầu. Việc vẽ màu sẽ được thực hiện nhiều lần một cách kiên trì cho tới khi bề mặt của tranh đạt được hiệu quả như mong muốn của người họa sĩ. Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện bức tranh là đánh bóng.
Triển lãm “Cái đầu” của Nguyễn Ngọc Phương
Triển lãm tranh “Cái đầu” của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Phương được trình bày đa phần ở khổ lớn. Điều đặc biệt trong các sáng tác của anh có lẽ đầu tiên phải kể đến chất liệu. Nguyễn Ngọc Phương đã có quá trình tìm tòi nhiều năm với chất liệu tổng hợp dựa trên nền tảng sơn mài. Tranh của anh là sự kết hợp của chất sơn ta, vàng, bạc, kim loại, đất, đá, keo… trên gỗ. Các chủ đề mà anh thực hiện cũng không nằm trong vòng hiện thực.
Ở các sáng tác của Nguyễn Ngọc Phương, nội dung, vật liệu và phong cách biểu hiện thống nhất với sự trừu tượng, đồ sộ, quyết liệt, thách thức và mới mẻ. “Sau hơn 10 năm thực nghiệm, loạt tranh Những cái đầu là sự tái hiện của những ám ảnh trong tâm trí tôi về nhân tính con người” – Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.
Vì sao Nguyễn Ngọc Phương sử dụng kết hợp hỗn độn các chất liệu từ tinh xảo đến thô sơ và vì sao anh sử dụng sơn ta – một chất liệu mang tính truyền thống cho những bức tranh đồ sộ, mạnh mẽ biểu hiện cảm xúc rất trừu tượng phương Tây của mình? Có lẽ quan sát trưc tiếp tranh của Nguyễn Ngọc Phương mới thấy chính những màu đen, đỏ của sơn ta lại là những chất màu biểu hiện mạnh mẽ nhất trong các tác phẩm. Sự nhăn dúm từ hiệu ứng của chất sơn dày mỏng cũng được kết hợp tạo chi tiết cho tranh. Khi đi cùng với các cách thức rất đương đại anh đưa vào tranh như vết cào xước, dấu vết của lực tác động khác, bố cục áp chế, đường nét táo bạo với màu đơn sắc… Tranh của Nguyễn Ngọc Phương đặt vấn đề trực diện và thống nhất.
Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”
Với triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” tại Hà Nội với sự góp mặt của 10 họa sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực sơn mài của Việt Nam đã khẳng định sức sống trường tồn và bất diệt của bộ môn nghệ thuật này.
Giám tuyển Vân Vi chia sẻ: “Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hoặc bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hoặc hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hoặc là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp…”.
Triển lãm "Dạo bước qua vùng đất của sơn mài"
Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh năm 1949, Nguyễn Thị Quế (1952), Phan Cẩm Thượng (1957), Đỗ Thị Kim Đoan (1958)… là những họa sĩ lớn tên tuổi của nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và mảng tranh sơn mài nói riêng của Việt Nam. Trong đó tranh sơn mài của họa sĩ Lý Trực Sơn và Nguyễn Thị Quế trầm mặc, tiết chế với đầy vẻ “thành kính”. Tranh sơn mài của họa sĩ Phan Cẩm Thượng đặc biệt trong chủ đề khai thác những câu chuyện của lịch sử tôn giáo với những màu sắc dân gian được họa sĩ dày công tìm tòi đúc kết.
Tác phẩm sơn mài "Hoa sen" của Nguyễn Thị Quế
Những họa sĩ này đại diện cho một thế hệ yêu thích vẻ đẹp truyền thống của sơn ta, họ khai thác cảm hứng cá nhân trong thời đại của mình và cố gắng giữ gìn, khai phá chất liệu quý giá của truyền thống.
Triệu Khắc Tiến (1977) là nhân vật đặc biệt trong triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” lần này. Anh là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khoa sơn mài, là người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ về tranh sơn mài tại Nhật Bản. Tranh sơn mài của Triệu Khắc Tiến hướng tới một bề mặt hoàn hảo khi kết hợp với những kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản vào tranh sơn mài Việt Nam. Đó cũng là một con đường để họa sĩ cùng những thế hệ học trò sau như Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Vũ Văn Tịch… khai phá nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Triệu Khắc Tiến gây ấn tượng với tác phẩm "Làng lên phố"
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Quang Trung (1962) lại đi theo con đường sơn mài trừu tượng, tập trung khai thác tạo hình và biểu hiện nội tâm. Sơn mài của Nguyễn Quang Trung gắn hơn với nghệ thuật biểu hiện trừu tượng phương Tây. Trên chất liệu sơn ta truyền thống, những biểu hiện ấy đem đến hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.
"Không vang" của Nguyễn Quang Trung
Trên một nền tảng khác, Nguyễn Xuân Lục giới thiệu đến công chúng những bức “phù điêu” sơn mài. Sơn ta được họa sĩ trình hiện trên nền tảng vượt ra khỏi nghệ thuật hội họa hai chiều. Con đường khai phá chất liệu và biểu đạt của Nguyễn Xuân Lục mang trong đó kỹ thuật vững vàng của một người thợ thủ công, một họa sĩ sơn mài được đào tạo chuyên nghiệp, cùng tâm thế thử nghiệm khám phá của nghệ thuật đương đại.
Bậc thầy sơn mài Phan Cẩm Thượng với họa phẩm "Quan Âm Thị Kính"
Về mặt chất liêu, ban đầu sơn mài của dân tộc ta thường bị giới hạn bởi các màu sắc cổ truyền như: cánh gián, son (là (là chất bột son đỏ chế biến từ một loại khoáng thạch là thần sa), then (màu đen-màu của bản thân chất sơn đen), vàng, bạc, vỏ trai, vỏ trứng. Sau đó, qua nhiều nghiên cứu, thể nghiệm, với những tiến bộ về pha chế màu sơn, phương pháp gắn vỏ trai, vỏ trứng rồi phủ cánh gián, phủ màu dày, mỏng tạo đậm, nhạt, xa, gần, kỹ thuật vẽ chìm, kỹ thuật đắp sơn nổi, dùng bột vàng (vàng quỳ đem tán nhỏ), bột bạc (bạc quỳ đem tán nhỏ). Tất cả những lớp bột này được rắc trên nền màu sơn ướt nhằm tạo ra độ hòa sắc và nhiều sắc độ khác nhau trên bề mặt tranh. Đặc biệt, sự xuất hiện của màu trắng titan có khả năng dung hòa với sơn làm cho bảng màu của những nghệ sĩ sơn mài được mở rộng.
Lý Trực Sơn và Nguyễn Quang Trung luôn được nhắc đến nhiều nhất ở Việt Nam với những tác phẩm sơn mài đầu tư và chất lượng
Trong thời đại hiện nay, hội họa sơn mài Việt Nam đang chứng kiến sự nở rộ của bước phát triển dựa trên cơ sở kế thừa có tính đổi mới kỹ thuật cổ truyền. Từ giai đoạn đổi mới năm 1986 đến nay, sơn mài Việt Nam vẫn thể hiện sức sống một cách mãnh liệt. Nhiều họa sĩ sơn mài trẻ vẫn đam mê theo đuổi dòng tranh sơn mài – công việc nặng nhọc, đòi hỏi sự bền bỉ và có khả năng tạo hứng thú say mê cho nghệ sĩ. Tính chất mở trong ứng dụng kỹ thuật vẽ tranh sơn mài sẽ là động lực thu hút giúp các họa sĩ không ngừng khám phá và đổi mới. Các nghệ sĩ trong hai triển lãm trên khi đến với sơn mài đều có cá tính riêng nhưng lại có những thủ pháp kỹ thuật khác nhau, tạo ra những phong cách cá nhân đậm nét. Ngày nay, bảng màu sơn mài đã lên tới con số hàng trăm màu sơn, dễ dàng đáp ứng nhu cầu được tự do biểu đạt của người nghệ sĩ. Những sắc màu mới, ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại được thể hiện bằng chất liệu sơn truyền thống tạo ra nét mới cho nghệ thuật sơn mài hiện đại của Việt Nam.
Hai triển lãm tranh sơn mài tiêu biểu diễn ra trong thời gian vừa qua tại Hà Nội đánh dấu một bước phát triển vượt bậc cũng như khẳng định sức sống và giá trị của dòng tranh sơn mài trong đời sống hiện nay. Tuy hai triển lãm này chỉ diễn ra tình cờ đem đến những nghệ sĩ sơn mài Việt Nam trải dài qua nhiều thế hệ, vùng địa lý và văn hóa khác biệt.
Tuy nhiên có thể thấy, sáng tác sơn mài của những nghệ sĩ trên được chia ra làm 2 trường phái. Thứ nhất, hướng đến vẻ đẹp hoàn mỹ kết hợp Đông – Tây từ việc nghiên cứu và thực hành hội họa sơn mài. Thứ hai, tiết chế trong một tâm thế hoài cổ, giản lược và độc đáo. Và cuối cùng, những người muốn khai phá, chuyển dịch chất liệu trong bối cảnh phức hợp của nghệ thuật đương đại.
Sơn mài là dòng tranh phù hợp với văn hóa Á Đông, vốn mạnh về diễn đạt đời sống bên trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Từ những sự hỗn độn của thế giới hỗn mang tới vẻ đẹp tĩnh lặng đậm chất thiền đều có thể được biểu đạt bằng chất liệu đặc biệt này khi sơn mài hiện đại phá bỏ những giới hạn về chất liệu.
Nhìn lại hành trình phát triển lịch sử của sơn mài Việt Nam, chúng ta có thể thấy được rằng những thành tựu về nghệ thuật sơn mài của nước ta trong thế kỷ 20 đã đươc thế giới ghi nhân và đánh giá cao. Ngày nay, nghệ thuật sơn mài hiện đại dương đại vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới mang đậm dấu ấn cá nhân và tính sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ. Cho dù thể hiện theo phong cách nào, xu hướng nào thì thế giới hiện thực vẫn là những tác nhân quan trọng và luôn ẩn hiện trong các tác phẩm sơn mài đương đại Việt Nam.