Xem nhiều nhất
BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000
Gốm Phù Lãng và người giữ lửa ở làng gốm cổ truyền xứ Kinh Bắc
Gốm Phù Lãng và người giữ lửa ở làng gốm cổ truyền xứ Kinh Bắc
Nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng gốm Phù Lãng một thời nhộn nhịp trên bến dưới thuyền là một điểm nhấn của mảnh đất Bắc Ninh. Ngày nay về đây, du khách vẫn vô cùng háo hức vì được thấy lại một nét Kinh Bắc xưa qua hoạt động của làng nghề. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những làn điệu dân ca quan họ, các liền anh liền chị áo mớ ba mớ bảy mà còn được biết đến rộng rãi với thương hiệu gốm Phù Lãng mang đặc trưng rất riêng của mảnh đất này. Qua lời kể của nghệ sĩ Gốm Huân (Bùi Văn Huân)), chúng tôi đã có dịp tìm hiểu về sự phát triển phồn thịnh trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện tại của dòng gốm 800 năm tuổi mang thương hiệu đậm chất văn hóa Kinh Bắc này – “Gốm Phù Lãng”.

Lịch sử của làng gốm hơn 800 năm tuổi

Làng gốm Phù Lãng được biết đến là một trong những làng gốm truyền thống nổi tiếng trong cả nước. Làng gốm thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Hiện ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, gốm Phù Lãng được trưng bày một số tác phẩm có niên đại vào khoảng thế kỷ 17 – 19. Những sản phẩm tiêu biểu bao gồm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng nâu… Những sản phẩm gốm của làng Phù Lãng không chỉ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần tạo nên một nét đẹp văn hóa có thể coi là đặc sắc nhất của vùng đất Kinh Bắc. Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, Phù Lãng mang vẻ trầm tư của một làng nghề gốm cổ với cái sắc nâu vàng óng da lươn của dòng gốm bắt nguồn từ nơi đây qua mấy trăm năm vẫn phảng phất cái hồn quê mộc mạc, giản dị đến nao lòng.

          Năm 2016, người dân làng nghề vui mừng vì gốm Phù Lãng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch                                               xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

                                                              (Ảnh: IECD Việt Nam)

Lịch sử đồ gốm Việt Nam có thể kể đến là được bắt nguồn từ những món đồ bằng đất sét trộn bằng bột vỏ sò không tráng men, sử dụng khuôn được chế bằng giỏ đan, với màu sắc nâu đậm hay nhạt cách đây đã hàng ngàn năm. Gốm vốn được coi là nét văn minh sơ khởi của con người, từng là điều huyền bí, linh thiêng trong truyền thuyết: “Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó biến thành gốm sứ…”

Theo lịch sử cuối triều đình nhà Lý đã cử ông Lưu Phong Tú sang Trung Hoa để học nghề làm gốm, đầu thời Trần thì ông về truyền dạy lại nghề. Và ông chính là ông Tổ nghề của làng gốm Phù Lãng. Qua các thời kỳ phát triển thì gốm Phù Lãng vẫn duy trì và hưng thịnh qua các triều đại. Trong từng giai đoạn thì làng nghề đã sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau như đồ phục vụ thờ cúng, trang trí, phục vụ đời sống sinh hoạt và hiện nay thì chủ yếu là chế tác tranh gốm, đồ phong thủy, tiểu cảnh sân vườn, đồ trồng cây, tiểu quách…

Từ xưa đến nay, các nghệ sĩ gốm Phù Lãng vẫn luôn thành công trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy nghề truyền thống của cha ông ta. Làng gốm Phù Lãng hiện nay không còn chỉ đơn giản là một làng nghề sản xuất mà còn là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch đến để tìm hiểu về gốm Việt Nam. Người dân làng gốm đã quen với những vị khách phương xa lui tới nhằm tìm hiểu về nghệ thuật làm gốm Việt, hay chỉ đơn giản là lặng im nhìn ngắm hình ảnh đất và người nơi đây. Du khách đến tham quan làng nghề gốm cũng có cơ hội được trực tiếp tạo ra các sản phẩm gốm cho riêng mình, từ khâu nhào nặn, tạo hình sản phẩm rồi đưa lên lò nung cho đến khi có được sản phẩm gốm ưng ý đem về.

       Du khách tìm về làng nghề gốm Phù Lãng để được tận mắt thưởng thức những tác phẩm gốm độc bản                                                                        (Ảnh: IECD Việt Nam)

Con đường quanh co, uốn lượn, hai bên lề đường chất từng hàng củi khô được xếp ngay ngắn, cao quá đầu người dẫn du khách về với làng gốm Phù Lãng. Đặt chân đến đầu làng, đâu đâu cũng bắt gặp những sản phẩm gốm được bày biện ở nhiều không gian. Dọc bờ sông, những lò gốm hàng trăm năm tuổi đang đỏ lửa để phục vụ người dân khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Đặc trưng sản phẩm gốm Phù Lãng

Khác với những làng gốm khác, sản phẩm gốm Phù Lãng có đặc trưng riêng để phân biệt, đó là các sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta thường gọi chung là lớp men có hoa văn màu da lươn. Thêm vào đó, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là các nghệ sĩ sáng tạo trên chất liệu gốm sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong (chạm kẹp), sử dụng màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc nhưng lại chứa đựng tâm huyết của nghệ sĩ gốm trong đó, hàm chứa vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Nếu như làng Bồ Bát với ông Tổ Hứa Vĩnh Kiều nổi tiếng với sản phẩm gốm từ chất liệu đất sét trắng, vùng Thổ Hà lại gây ấn tượng với các sản phẩm đất sét xanh, thì làng Phù Lãng lại thâm trầm, mộc mạc nhưng lại vô cùng tinh tế với các sản phẩm đến từ đất sét đỏ.

        Sản phẩm gốm Phù Lãng đặc trưng và được đổi mới theo tinh thần của thời đại (Ảnh: Gốm Huân)

Về với làng Phù Lãng, thật không quá khó để bắt gặp những hình ảnh mái ngói nâu đỏ thấp thoáng sau lũy tre làng, những hàng chum vại dọc theo con đường làng quanh co với những tranh gốm, bình gốm xếp chồng cao ngất bên hiên nhà. Những hình ảnh quen thuộc ấy vẫn được người ta nhớ đến với cái tên vô cùng dung dị “hồn quê”.

Quy trình sáng tạo ra một sản phẩm gốm tại làng gốm Phù Lãng

Với sự phát triển trong 800 năm nay, nổi tiếng với các sản phẩm đồ gia dụng như chum, vại, ấm, nồi, chậu hoa, đôn cảnh… làng gốm Phù Lãng đã ghi dấu ấn cho rất nhiều người Việt yêu gốm và cả những du khách nước ngoài đam mê gốm Việt. Những năm gần đây, nhờ bắt nhịp được với thị hiếu của thị trường, các nghệ sĩ làng gốm Phù Lãng đã tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề mà hướng đi chính là định hướng phát triển dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ. Gốm Phù Lãng vì thế mà tập trung vào ba loại hình:

-         Gốm dùng trong tín ngưỡng như tượng Phật, các đồ thờ cúng như lư hương, đài thờ, đỉnh…

-         Gốm gia dụng – một trong những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù lãng vô cùng đa dạng và phong phú về chủng loại, kiểu dáng, từ lọ, bình, ang, chum, vại đến ống điếu và bình vôi…

-         Gốm trang trí: bình, ấm hình thú, chậu hoa…

Nguyên liệu để sáng tạo ra các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, trải qua nhiều công đoạn, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình lên khuôn trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công. Cũng giống như nhiều làng gốm truyền thống khác như gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Thổ Hà (Việt Yên) phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt.  

                                                  Công đoạn tạo ra sản phẩm gốm (Ảnh: Gốm Huân)

Điều đặc biệt làm nên vẻ đẹp riêng của gốm Phù Lãng chính là loại đất sét được các thợ nghề trong làng sử dụng. Đất không được lấy trực tiếp từ làng mà được các người thợ vận chuyển từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) và được chở về vùng Phù Lãng theo đường sông, chủ yếu là sông Cầu. Điều này khiến cho cấu trúc địa chất và cảnh quan làng Phù Lãng không bị phá vỡ. Đất lấy về phải là loại đất có độ dẻo, sau đó được phơi để đất bạc màu, trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm nước”, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm. Đất sét lúc này phải được luyện cho thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn mới có thể mang đi tạo hình.

           Công đoạn tạo hình sản phẩm trong quá trình chế tác gốm thủ công độc bản (Ảnh: Gốm Huân)

Cũng giống như làng Bát Tràng và Thổ Hà, gốm Phù Lãng được tạo hình trên bàn xoay tay. Tuy nhiên, kỹ thuật làm tráng men ở đây lại không thể trộn lẫn. Men được làm từ tro cây rừng – thường là lim, sến, táu và nghiến, được trộn với vôi sống, sỏi nghiền nát và bùn phù sa trắng theo một tỷ lệ nhất định. Đây được xem là bí quyết của những người thợ làng Phù Lãng, rồi được để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành chất lỏng quánh, có màu vàng như mật ong. Loại men này được ưa chuộng quét lên sản phẩm gốm rồi đem phơi khô, khi đó, sản phẩm gốm sẽ có màu trắng đục.

Công đoạn cuối cùng kỳ công không kém chính là nung gốm. Đây là bước vô cùng quan trọng để đảm bảo được màu sắc của sản phẩm. Nhiệt độ lò nung phải ở mức 1000 độ C, đảm bảo khi nung lớp da ngoài của sản phẩm gốm mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc.

Có thể nói, từng công đoạn, từ khâu chọn đất nung, tạo hình, tráng men cho đến nung gốm đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận, cầu kỳ nhất có thể, để tạo ra được một sản phẩm gốm độc bản ra đời.

Tìm về nghệ sĩ hiếm hoi lưu giữ nghề gốm cổ truyền Phù Lãng

    Đến với làng gốm Phù Lãng – Bắc Ninh để có dịp gặp gỡ những nghệ sĩ gốm nổi tiếng nhất Việt Nam                                                                                  (Ảnh: Gốm Huân)

Nghệ sĩ Gốm Huân (Bùi Văn Huân) là một trong những nghệ sĩ gốm sớm thành danh của làng gốm Phù Lãng. Anh trở thành một gương mặt quen thuộc với các nhà sưu tập gốm trong và ngoài nước. Cơ sở sản xuất xưởng gốm Huân của anh là điểm tham quan và khám phá thú vị của rất nhiều người yêu gốm khi đến thăm Phù Lãng – Bắc Ninh.

 Anh Huân tâm sự: “Nói về gốm, về đam mê gốm thì tôi có thể nói cả ngày mà không biết chán. Từng giây từng phút, trong những bữa cơm hay cả trong giấc ngủ tôi đều nghĩ đến gốm. Tôi luôn mong muốn sáng tạo ra thật nhiều sản phẩm đẹp mang dấu ấn tinh thần Việt vừa thỏa mãn đam mê của mình mà đặc biệt hơn là muốn lan tỏa tình yêu gốm thủ công – gốm Việt độc bản đến với tất cả mọi người”.

                   Gốm thủ công độc bản nung lò củi trong xưởng của anh Huân (Ảnh: Gốm Huân)

       Xưởng gốm của anh Huân trên đỉnh núi Chùa Vĩnh Phúc Tự - Làng gốm cổ Phù Lãng – Bắc Ninh

                                                                        (Ảnh: Gốm Huân)

Không quá nổi bật, không cần phô trương, các nghệ nhân làng gốm Phù Lãng vẫn âm thầm làm đẹp cho quê hương, đất nước, bằng đôi tay tài hoa và một trái tim yêu quý những giá trị văn hóa đáng quý của dân tộc. Chính vì thế, gốm Phù Lãng luôn giữ được hồn quê, cốt cách và những giá trị truyền thống trân quý tuy trải qua thời gian, gốm Phù Lãng cũng phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu gốm khác trên thị trường. Thế nhưng, lửa thử vàng, cái vòng xoay của sự phát triển vẫn chẳng thể mai một được đi những giá trị văn hóa đích thực.

 

       Nhiều thanh niên trong làng gốm Phù Lãng đa phần theo đuổi những ngành nghề khác, ít ai đam mê và                          theo đuổi nghiệp gốm của cha ông để lại như anh Huân (Ảnh: Gốm Huân)

Với mong muốn đưa sản phẩm Phù Lãng đến với đông đảo người yêu gốm trong và ngoài nước, xưởng gốm của anh Huân đã luôn liên tục tìm tòi, đổi mới, sáng tạo với những hướng đi mới để tiếp tục củng cố thêm tiếng tăm của làng nghề. Trên nền chất liệu gốm, anh Huân đã sáng tác hàng ngàn sản phẩm gốm độc bản, mang đậm dấu ấn cá nhân cũng như đậm chất Phù Lãng quê hương anh. Những chủ đề mà sản phẩm gốm của anh Huân hướng đến dựa trên cảm hứng sáng tác về cảnh sắc làng quê, văn hóa dân gian Việt Nam, ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất, vẻ đẹp vô biên của quê hương, đất nước như: gia đình sen, cao nguyên đá Đồng Văn, ngày mùa, vinh quy bái tổ, chợ quê, quan họ Kinh Bắc…

    Các sản phẩm Gốm Huân mang đậm chất văn hóa Kinh Bắc và bản sắc dân tộc Việt (Ảnh: Gốm Huân)

Với hơn 800 năm tuổi, trải qua biết bao thăng trầm, gốm Phù Lãng vẫn từng bước vươn mình lên phát triển và giữ nguyên nét bình dị, mộc mạc vốn có của nó. Bằng tình yêu, sự đam mê của những người con đất gốm, cùng với sự hỗ trợ của những chính sách Nhà nước, gốm Phù Lãng tiếp tục khẳng định những giá trị trường tồn vốn có, vươn ra thị trường nước ngoài và thế giới.

Phù Lãng dù đang dần chuyển mình theo thời đại, thế nhưng trong nó vẫn ẩn chứa cái hồn rất riêng của xứ sở Kinh Bắc xưa kia./.

Chia sẻ :

BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000