Họa sĩ Lý Cao Tấn sinh năm 1963 tại Cà Mau và tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Lý Cao Tấn là một họa sĩ quen mặt trong giới mỹ thuật toàn quốc và là một họa sĩ đã khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng khán giả cả nước với thể loại bút sắt chuyên nghiệp.
Họa sĩ Lý Cao Tấn là thạc sĩ nghệ thuật – họa sĩ đồ họa. Ông sinh năm 4/3/1963, quê quán ở Khánh Bình, Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trình độ chuyên môn là thạc sĩ nghệ thuật, là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Ông cũng là Ủy viên Hội đồng nghệ thuật đồ họa Việt Nam (2000 – 2004), Chi Hội trưởng chi hội Mỹ thuật Việt Nam (1995 – 2015), Phân Hội trưởng phân hội Mỹ thuật tỉnh Cà Mau (1995 – 2013). Họa sĩ Lý Cao Tấn cũng là Nguyên Phó Cục trưởng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau.
Họa sĩ Lý Cao Tấn chuyên sáng tác tranh Bút sắt, tranh cổ động. Ông từng giành được nhiều giải thưởng về mỹ thuật với các tác phẩm nổi bật như “Phong cảnh Cà Mau”, “Nước xoáy Năm Căn”, “Gió lốc”, “Chân dung tự họa”, “Mùa hội Ba Khía”…
Họa sĩ từng có tranh trong bảo tàng, tham dự sưu tập trong nước và thế giới như Nga, Pháp, Hàn Quốc, Lào…
· Ông cũng tham dự trại sáng tác mỹ thuật “Ô vuông nắng” tại Liên Xô năm 1997
· Tham dự trại sáng tác mỹ thuật tại Pháp năm 2003
· Tham gia triển làm tại Hàn Quốc năm 2019 và 2022
· Tham dự triển lãm toàn quốc giai đoạn 1995 – 2000 – 2006 – 2010 – 2015 và Triển lãm Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội
· Thiết kế và thể hiện 7 công trình bia, đài tưởng niệm và tranh hoàng tráng
· Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa và Thông tin
· Kỷ niệm chương Liên hiệp các hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam
· Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam
· Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển
· Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
· Danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh
· Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở
· Nhiều bằng khen của UBND tỉnh Cà Mau
· Nhiều giải thưởng sáng tác tranh cổ động…
Là một nghệ sĩ của Đồng bằng sông Cửu Long – cũng như bao nhiêu họa sĩ khác, Lý Cao Tấn chọn cho mình khuynh hướng Hiện thực khi thể hiện đề tài, và dưới ngọn bút của anh từ “Nước xoáy Năm Căn”, “Mùa hội ba khía”, “Công trình thế kỷ” đến “Nhộn nhịp miền Tây”, “Sự trả thù của trời đất”, “Khát vọng chinh phục biển khơi”… đáp ứng đúng mong muốn của người xem khi phản ánh cảm xúc, đưa hình tượng trong tranh gắn liền với cuộc sống và thời đại.
Trong vòng hai mươi năm trở lại đây (1992 – 2015) Cà Mau nổi bật lên với việc định hình một thể loại nghệ thuật mà trước đây chưa được chú ý nhiều. Và thể loại này gắn liền với tên tuổi của một họa sĩ đã đổ công sức cho việc chuyên sâu và đột phá nâng cao – đó là Lý Cao Tấn với chất liệu bút sắt. Nếu đem ra so với chất liệu khác như sơn dầu, sơn mài, lụa… thì bút sắt rõ ràng có kém xa về phương tiện diễn đạt. Mặt khác, bút sắt lại bị thêm nhiều hạn chế như chính bản thân nó không có nhiều màu sắc để có thể dễ dàng làm phong phú không gian hay tạo chất cho nhiều ý tưởng. Người vẽ cũng không thể tẩy xóa khi diễn đạt không đáp ứng được yêu cầu và thêm nữa là không thể ứng dụng kỹ thuật chồng đè lên nhau khi cần tạo chiều sâu, mảng khối cho các chi tiết cần thể hiện. Tuy nhiên ở đây, ta thấy họa sĩ Lý Cao Tấn khi quyết tâm chọn chất liệu này đã cố gắng xây dựng mục đích là lấy cái tối thiểu để đạt tới cái tối đa và đưa chất liệu này vào thực tế để thử diễn tả nhiều loại đề tài.
Trong Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 của Hội Mỹ thuật Việt Nam – họa sĩ đã giành giải thưởng cho tác phẩm “Cảm xúc từ biển, đảo Cà Mau”. Tác phẩm được chia làm bốn mảng ghép lại thể hiện chùm cảm xúc của tác giả. Mảng 1 miêu tả một lớp học trên đảo Hòn Chuối mà trong đó thầy giáo là những chiến sĩ về đứng lớp rèn chữ cho các em. Mảng 2 là hình ảnh về nhưng cột đáy hàng khơi mà ở đó nguồn lợi hải sản đi liền với những khó khăn gian nan mà người dân nơi đây phải chịu đựng hàng ngày. Mảng 3 là sự phát triển của vùng đất bãi bồi với những cây sú, cây vẹt đang từng giờ từng phút sinh sôi, nảy nở trên vùng đất sình lầy. Mảng 4 là những hình ảnh về sự biến đổi khí hậu đối với biển đảo Cà Mau. Ý tưởng chủ đạo trong toàn bộ tranh là những cảm xúc về cái Đẹp của con người trong lao động sinh hoạt hàng ngày, về sự chịu đựng của con người trước thiên nhiên hùng vĩ đầy sóng gió. Kỹ thuật xử lý chất liệu của tác giả từ bút sắt chuyển sang in offset để có thể thay đổi màu sắc từ đen trắng đến xanh, rõ ràng là hết sức gian nan.
Sử dụng hiệu quả bút pháp đồ họa tạo hình hiện đại, tập trung xây dựng hình tượng trong tác phẩm bằng cách dùng đường nét, hạt điểm lớn nhỏ, đậm nhạt – khi thì nhàn nhã, lúc sôi động cùng với những sắc độ cơ bản như trung gian, sáng nhất, đậm nhất… cộng với bố cục khi thì tạo không gian 3 chiều linh hoạt, khi chỉ có 2 chiều cao và ngang tạo thành 1 mảng trong tranh – để hình nét và tương phản sáng tối khúc chiết làm cho người xem hiểu được ý đồ; đã khiến tranh Lý Cao Tấn mang những dấu ấn điển hình rất riêng biệt, không hòa lẫn với bất kỳ ai. Ngoài ra, anh cũng có vẽ một số tranh màu – nhưng màu của anh được cân nhắc rất kỹ càng và chỉ mang tính chất đệm cũng như hỗ trợ cho hình và cảm xúc mà thôi.
Với bề dày hoạt động nghệ thuật 21 năm, những giải thưởng anh đã liên tiếp đạt được như: Giải tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1993, 1995, 1997, 2007; Giải C trong Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1998, 2001, 2004; Giải B năm 1999, giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1994; Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000. Giải Nhất, giải Nhì, giải Ba trong Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Cà Mau năm 1995, 2005, 2012… Anh được nhận Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau năm 1975 – 2005… là những công nhận tài năng cống hiến của anh trong lĩnh vực Việt Nam hiện đại.