Tìm hiểu nghệ thuật dân gian Việt Nam
Nghệ thuật dân gian là một phần của văn hóa truyền thống Việt Nam, được phát triển qua bao thăng trầm lịch sử. Cội nguồn của nghệ thuật dân gian truyền thống được tạo nên bởi một cộng đồng chứ không phải là cá nhân riêng lẻ, qua đó, giúp truyền tải bản sắc văn hóa của cộng đồng và nơi chốn mà họ sinh sống.
Nghệ thuật dân gian Việt Nam có lịch sử lâu đời và gắn bó với đời sống của người dân, được thể hiện qua những hình ảnh, hoạt động quen thuộc như: những hoạt cảnh trong tranh dân gian, kiến trúc cổ, các lễ hội truyền thống… Đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân gian là sự gần gũi, bám sát đời sống nhân dân xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú và sự gửi gắm những tâm tư tình cảm, ước vọng một cuộc sống hạnh phúc, no đủ của mỗi cá nhân.
Nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam là một phần không thể tách rời của văn hóa dân gian. Trong cuốn Văn hóa dân gian trong di sản văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đánh giá: “Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Vì vậy, khi nhận thức, lý giải các hiện tượng văn hóa dân gian phải gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của nó, tức là, các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong đó, cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã giữ vai trò quan trọng”. là hoạt động mang ý nghĩa vật chất và tinh thần của người dân.
Văn hóa dân gian đã được thể hiện rất nhiều trên tem bưu chính, là mảnh ghép độc đáo trong bức tranh đa sắc màu được dệt lên trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Việc khẳng định văn hóa dân gian Việt Nam vẫn luôn có vị thế quan trọng, giá trị nhân văn, ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền qua nhiều thế hệ.
Nghệ thuật dân gian Việt Nam qua những con tem giấy
Với những ý nghĩa độc đáo, đậm đà văn hóa dân tộc như thế, các nhà thiết kế hiện đại đã khéo léo đưa loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam lên con tem bưu chính. Nét họa mang lại cho người xem dễ dàng cảm nhận được sự dí dỏm, dễ thương của các nhân vật. Hình ảnh tem bưu chính Việt Nam với nét cổ điển, điệu đà và ngộ nghĩnh được thể hiện qua các loại hình nghệ thuật một cách mới mẻ và đầy sáng tạo khiến người xem dễ tiếp cận nghệ thuật truyền thống dân gian hơn. Khi nhìn vào những biểu tượng của chiếc tem, ta thấy văn hóa nước nhà gợi mở trong ký ức người con Việt Nam.
Là những gì gần gũi nhất với đời sống thường ngày của con người, tem giấy thể hiện cho chúng ta thông điệp về nét văn hóa truyền thống của dân tộc như: chèo cổ, chầu văn, hát quan họ, hát ca trù (ả đào), hát tuồng, múa rối nước… Nghệ thuật dân gian trên tem giấy thể hiện tinh thần gìn giữ và phát huy nét truyền thống dựa trên sự sáng tạo và đổi mới của các nghệ sĩ trong thời điểm hiện tại. Nghệ thuật này tuy mới lạ nhưng xét cho cùng vẫn bắt nguồn từ văn hóa truyền thống, là nét đẹp của quần chúng lao động, mang tính bản sắc địa phương cao, thể hiện nét văn hóa thông qua việc truyền tải các giá trị thẩm mỹ và các giá trị mà người dân tin tưởng.
Tem giấy thể hiện sinh hoạt tinh thần và văn hóa dân gian đã trở thành hình tượng nghệ thuật độc đáo, mang chở những tâm tư và tình cảm của người dân ở trong đó. Điều này trở thành cầu nối giúp người dân Việt Nam và những người nước ngoài yêu mến văn hóa Việt tăng cường thêm nhận thức rõ ràng về vai trò của nghệ thuật dân gian với tư cách là sự phát huy các giá trị nguồn cội, gia tăng bản sắc và những giá trị văn hóa dân gian độc đáo của Việt Nam. Thiết nghĩ, việc sáng tạo văn hóa dân gian trên tem bưu chính là cách để sản phẩm dễ dàng chạm đến tình cảm và trái tim người tiêu dùng, đồng thời, đó là sự kết nối sản phẩm với người tiêu dùng, tạo sự thiện cảm và gần gũi. Bất chấp việc khi đề cập đến nghệ thuật dân gian, mọi người sẽ có xu hướng liên tưởng ngay đến những gì xưa cũ, lỗi thời, như vậy việc tích hợp giữa văn hóa dân gian vào thiết kế hiện đại, là một việc làm cần sự tinh tế và khéo léo, nhằm làm nổi bật các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.
Dân ca quan họ Bắc Ninh – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2009)
Dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30-9-2009, tại Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Dân ca Quan họ Bắc Ninh là hình thức hát đối đáp (liền anh - liền chị), tồn tại ở 49 làng ở Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Quan họ có các hình thức: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải và hát canh. Dân ca Quan họ có 213 giọng (làn điệu) khác nhau với hơn 400 bài ca, chủ yếu là phổ lời ca dao và thơ. Giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện ở tinh thần nhân văn sâu sắc và qua từng bài ca, lời ca và cách thức thể hiện.
Múa rối nước – Nghệ thuật biểu diễn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam
Múa rối nước được xem là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng và đặc sắc nhất của Việt Nam. Múa rối nước ra đời từ nền văn minh lúa nước. Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, mang tính đặc trưng văn hóa và bản sắc Việt Nam.
Múa rối nước đã ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn ra vào các dịp lễ, hội làng, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Múa rối nước cũng được xem là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc ta. Tuy có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam.
Thường thì buồng trò rối nước là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt… hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước. Buồng trò, sân khấu đươc trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã… Buổi diễn rất nhộn nhịp với lời ca, tiếng trống, mõ, tù, và, chen tiếng pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ từ dưới nước lên, trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo.
Trò rối nước là trò khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Trong kho tàng trò rối nước Việt Nam, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục rối hiện đại kể về những sự tích dân gian và cuộc sống hàng ngày của người dân Việt. Các trò diễn thường được mở đầu bằng sự giới thiệu của chú Tễu, mô tả: Những sinh hoạt đời thường như công việc nhà nông, câu ếch, cáo bắt vịt; Lễ hội: múa rồng, múa sư tử, rước kiệu, đấu vật, đánh võ, chọi trâu…; trích đoạn một số tích cổ như Thạch Sanh, Tấm Cám…
Theo thời gian, nghệ thuật múa rối nước được truyền từ đời này sang đời khác, dần dà trở thành một trong những thú chơi tao nhã của người dân Việt Nam trong các dịp lễ hội.
Năm 1121, văn tự đầu tiên ghi chép về múa rối nước của dân tộc ta là bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, có đoạn viết: “Thả rùa vàng đội ba ngọn núi, trên mặt sóng dập dờn. Phơi mai vân để lộ bốn chân, dưới dòng sông lờ lững, liếc mắt nhìn lên bờ, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách dựng cheo leo, dạo nhạc thiều réo rắt. Cửa động mở ra thần tiên xuất hiện. Đều là dáng điệu thiên cung, há phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăn mày thúy ngợi ca vận tốt. Chim quý từng đàn ca múa, thú lành từng đội xênh xang".
Hát chèo cổ - Nét đặc trưng của trung du đồng bằng Bắc Bộ
Hình thức hát chèo cổ sinh ra từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ, trải qua nhiều thế kỷ, sân khấu chèo cổ đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc và độc đáo của nền văn hóa dân tộc Việt. Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam, phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển mạnh mẽ giai đoạn đó, giàu tính dân tộc. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là nghệ thuật kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản có kịch nô thì có thể nói chèo cổ là loại hình biểu diễn truyền thống nổi bật nhất của sân khấu Việt Nam.
Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vì mang đậm tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nghệ thuật sân khấu chèo đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ 10 tới nay, đã đi sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam như: tinh thần lạc quan, nhân ái, chuộng cuộc sống yên lành, bình dị nhưng tràn đầy lòng tự hào dân tộc, kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ các thể loại văn học như: trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn… Từ năm 2001, nghệ thuật chèo vùng đồng bằng sông Hồng được lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Những nhân vật phụ của chèo có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, vì vậy hầu như những nhân vật này không có tên riêng. Có thể gọi họ là thầy đồ, phú ông, thừa tướng, thư sinh, hề… Tuy nhiên, qua thời gian thì một số nhân vật như Thiệt Thê, Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân… đã thoát khỏi tính ước lệ đó và trở thành một nhân vật có cá tính riêng.
Hát ca trù – Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2009)
Ca trù được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 01-10-2009, tại Kỳ hợp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Ca trù còn được gọi là nôm na là hát cô đầu/ hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng thịnh hành tại vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù được xem là nghệ thuật hát thơ hình thành từ thế kỷ 15. Nhóm trình diễn ca trù thường gồm một đào nương vừa hát vừa gõ phách, một kép đàn chơi đàn đáy, một quan viên đánh trống chầu. Trong một số diễn xướng ca trù còn xuất hiện một vài điệu múa đan xen. Theo các nghệ nhân, ca trù có 56 điệu hát, mỗi điệu gọi là một thể cách. Ngày nay ca trù đang có nguy cơ mai một hoặc bị biến mất.
Từ “ca trù” được hiểu là lối hát bỏ thẻ tre, người nghe hát thấy chỗ nào hay thì ném thẻ cho đào hát. Sau đó cứ đếm thẻ mà trả thành tiền. Các ca nương được gọi là ả đào, đọc chệch ra là cô đào, và dạng biến thể là hát cô đầu. Ca trù từng được tầng lớp trí thức thời phong kiến yêu thích, được ưu tiên biểu diễn tại các đình làng và cả ở cung đình, sau đó ca trù được phát triển và thịnh hành ở các giáo phường. Sau 1954 thì ca trù bị cấm, tuy nhiên được khôi phục sau khi công cuộc Đổi Mới được phát động và ngày nay hay được xem là bộ môn nghệ thuật bác học của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Ngày 1/10/2009, ca trù được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngày 23/2/2020, nhằm ngày giỗ tổ nghiệp ca trù, Google lần đầu tiên vinh danh loại hình nghệ thuật truyền thống này của Việt Nam bằng biểu tượng đặc biệt thay thế tạm thời trên trang chủ của Google tại Việt Nam.
Hát chầu văn – Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2016)
Hát văn, còn gọi là chầu văn, hát hầu đồng, hát bóng là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh, với xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Hát chầu văn cửa đình xuất phát và bắt nguồn từ kinh đô xứ Huế, nơi đây cũng được xem là cố đô thịnh hành nhất của chầu văn cửa đình. Các cung văn hát những bài thơ ca ngợi thành hoàng làng và cầu phúc cho dân chúng. Nhạc Cung đình, nhạc nghi lễ áp dụng trong nghi thức hầu đồng hình thành một thể loại mới gọi là nhạc Chầu văn, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.
Chầu văn là nét đẹp văn hóa ăn sâu trong tín ngưỡng của người dân Việt. Với những thanh đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu thì chầu văn chính là hình thức biểu diễn nghệ thuật để kết nối với thế giới tâm linh của họ. Đạo mẫu Tứ phủ của Việt Nam quan niệm thế giới chia làm bốn miền, Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ và Thoải phủ.
Ngày 01-12-2016, "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện tại, nghi lễ chầu văn của người Nam Định và cả Việt Nam đã được đưa vào danh sách 33 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam và được công nhận là Di sản thế giới. Ở Huế cũng có hình thức hát chầu văn nhưng giai điệu rất khác biệt so với các tỉnh Bắc Bộ.
Quan niệm thế giới tự nhiên được chia thành các phủ: trời, rừng, nước và đất dưới sự cai quản của các nữ thần, người Việt theo tín ngưỡng thờ Mẫu thờ cúng các nữ thần cùng với các vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại, có công với dân, đất nước và có quyền năng trong các điện thờ. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt, cầu tài, cầu lộc, sức khỏe, làm ăn, buôn bán, những niềm mong ước tốt đẹp cho cuộc sống hàng ngày.
Chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như thơ thất ngôn, song thất lục bát, lục bát, nhất bát song thất, hát nói… Lời của các bản văn thường có nội dung ca ngợi công đức, kể lại các sự tích các thánh, khen ngợi vẻ đẹp ngoại hình và thú phong lưu của các vị ấy, đồng thời tả cảnh và xin được ban ơn phù hộ.
Thể song thất nhất bát (Trích văn “Cô Bơ Thoải”)
Nhang thơm một triện,trống điểm ba hồi
Đệ tử con, dâng bản văn mời
Dẫn sự tích thoải cung công chúa
Tiền duyên sinh ở:thượng giới tiên cung
Biến hóa lên về Động Đình trung
Thác sinh xuống,con vua thoải tộc
Điềm trời giáng phúc,thoang thoảng đưa hương
Mãn nguyệt liền,hoa nở phi phương
Da tựa tuyết ánh hường tươi tốt
Hát tuồng – Nét văn hóa đặc sắc của người Việt cổ
Tuồng là hình thức biểu diễn mang tính cổ xưa, nguyên thủy nhất của văn hóa Việt Nam bên cạnh múa rối nước, dân ca quan họ Bắc Ninh, chèo cổ, ca trù...
Với người Việt từ thời xa xưa, tuồng vốn là một bộ môn nghệ thuật sân khấu tổng hợp có các yếu tố văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa… tham gia. Để phân biệt, với các loại kịch nói, kịch múa, opera… nghệ thuật biểu diễn được xếp vào loại kịch hát dân tộc. Theo nhiều học giả, tuồng xuất phát từ ca vũ dân tộc Việt Nam, song trong quá trình phát triển, tuồng đã tiếp nhận nhiều hình thức mang tính biểu diễn và hóa trang của Hí Kịch. Vì thế, tuồng của Việt Nam thường được xem là có một số nét giống với nghệ thuật hát Hí Kịch của Trung Quốc.
Khác với các loại hình nhạc kịch khác của Việt Nam như chèo, cải lương… tuồng mang âm hưởng hung tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hung là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật tuồng.
Với tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, gìn giữ tinh hoa vốn cổ của ông cha ta, đặc biệt là đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống đã gắn liền với dân tộc qua bao thế kỉ, khẳng định thêm sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống sẽ sống mãi trong lòng người yêu nghệ thuật Việt Nam, để bộ môn nghệ thuật này luôn được xem là “quốc hồn”, “quốc túy” của người Việt.
Theo nhiều học giả, tuồng xuất phát từ ca vũ dân tộc Việt Nam, song trong quá trình phát triển, tuồng đã tiếp nhận nhiều trình thức biểu diễn và hóa trang của Hí Kịch Trung Quốc. Tuồng – Một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam. Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm.
Cùng chung số phận với cải lương, ca trù, chèo cổ..., tuồng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhất là với giới trẻ. Là người nghệ sĩ lưu giữ và am hiểu về văn hóa cổ hàng đầu Việt Nam, ý thức sâu sắc được vấn đề đó, nghệ sĩ Mạnh Đức đã đưa toàn bộ những tiết mục đặc sắc nhất trong kho tàng lịch sử văn hóa của người Việt vào triển lãm của mình, với hy vọng phục dựng và đem đến cho công chúng cơ hội thưởng thức lại một thời kỳ văn hóa lịch sử rực rỡ của cha ông ta, phá tan đi sự hôn trầm và buồn chán trong đời sống văn hóa của người Việt./.