Ai cũng có thể cảm thấy mê mẩn và đắm chìm vào trong nụ cười hư ảo của nàng Mona Lisa do danh họa Leonardo da Vinci (Ý) vẽ, hay những đường cong tinh tế, thân hình đẫy đà của người phụ nữ phương Tây được chạm khắc, biểu lộ trong những tác phẩm tuyệt đỉnh như “Sleeping Venus” (Vệ Nữ say ngủ) của danh họa Giorgione (Ý) hẳn sẽ thấy hơi bối rối, lạ lẫm với vẻ đẹp của người tình lâu năm của danh họa lừng danh thế giới thế kỷ 20 Pablo Picasso (Tây Ban Nha) trong tác phẩm “Dora Maar with Cat” bằng phong cách lập thể phân tích.
Phụ nữ Việt trong lịch sử hội họa Việt Nam giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương
Trong lịch sử hội họa Việt Nam hiện đại, từ thập niên 1960 đã nổi tiếng hai “bộ tứ” huyền thoại. Đó là: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn) và “nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái” (Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái)... Một người vợ của họa sĩ Trần Văn Cẩn, một cô thiếu nữ của họa sĩ Dương Bích Liên, một góa phụ dưới bút pháp của họa sĩ Lưu Công Nhân hay những cô gái Ngã ba Đồng Lộc của họa sĩ Trần Hữu Chất... dù là dưới góc nhìn nào, các bức tranh cũng đều toát lên vẻ đẹp của sự sống, tình yêu diệu kỳ cùng vô vàn xúc cảm khác nhau. Có vẻ như tranh vẽ phụ nữ không chỉ có "sắc", mà còn có "niệm", là quan niệm, là cái nhìn đối với cái đẹp mỹ học toát ra từ tâm thức của mỗi họa sĩ.
Tô Ngọc Vân
Thiếu nữ bên hoa huệ - Tô ngọc Vân “Thiếu nữ bên hoa huệ”, một trong những tác phẩm nghệ thuật hàng đầu của danh họa Tô Ngọc Vân, có lẽ cũng là bức vẽ người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài nổi tiếng nhất Việt Nam. Kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, khi ông đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh mô tả hình ảnh một thiếu nữ đài các mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu mơ mộng về phía lọ hoa huệ tây trắng (hoa loa kèn). Hình dáng cô gái cùng không gian toát lên nét dung dị, buồn vương nhẹ nhàng. Đây được xem là tác phẩm đi liền với tên tuổi của danh họa Tô Ngọc Vân và cũng là tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, bức tranh còn thể hiện thú chơi hoa loa kèn tao nhã của người Hà Nội.
"Thiếu nữ bên hoa huệ" là họa phẩm quen thuộc gắn với tên tuổi của danh họa Tô Ngọc Vân
“Thiếu nữ bên hoa huệ” có bố cục chặt chẽ đến hoàn hảo, thể hiện đầy đủ các xúc cảm. Kiệt tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân nổi tiếng đến mức, ở Việt Nam, dù nhiều người không mấy quan tâm đến hội họa cũng biết đến bức tranh, bởi “Thiếu nữ bên hoa huệ” là một trong số những tác phẩm bị sao chép nhiều nhất trên mọi chất liệu, kích thước.
Ngoài “Thiếu nữ bên hoa huệ”, danh họa Tô Ngọc Vân còn để lại nhiều kiệt tác mà trong đó, luôn hiện hữu những tà áo dài, như: “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Thiếu nữ”, “Hai thiếu nữ”, “Bốn thiếu nữ”, “Buổi trưa”, “Thiếu nữ bên tranh tố nữ”, “Hai thiếu nữ và em bé”…
"Hai thiếu nữ và em bé" cũng là một họa phẩm đặc sắc của Tô Ngọc Vân
Tác phẩm "Hai thiếu nữ và em bé" của Tô Ngọc Vân được hoàn thành vào năm 1944, thể hiện một không gian thanh bình, hai người phụ nữ mặc áo dài hàn huyên bên hiên nhà. Bên cạnh họ là bé trai ngồi chơi. Họa phẩm có bố cục của hội họa phương Tây nhưng không gian và trang phục được thể hiện ở nhân vật nữ lại gợi lên không khí của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Tác phẩm được danh họa thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Vì cách tái hiện lại một giai đoạn của đất nước, tác phẩm đã được xếp hạng vào hạng mục bảo vật quốc gia.
"Thiếu nữ bên sen" của Tô Ngọc Vân
"Thiếu nữ bên sen" được hoàn thành năm 1944. Người mẫu của bức tranh được danh họa Tô Ngọc Vân tiết lộ là cô Sáu - một người làm nghề mẫu tranh nổi tiếng tại Hà Nội những năm 1940. Cô Sáu cũng là nhân vật từng xuất hiện trong tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng khác cùng thời với Tô Ngọc Vân như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị.
Dương Bích Liên
Trong số những danh họa hàng đầu Việt Nam, họa sĩ thành công nhất với đề tài phụ nữ là Dương Bích Liên. Sự thành công ấy được cả giới mộ điệu với câu: “Phố Phái, gái Liên”. Trong kho tàng hội họa của mình, họa sĩ Dương Bích Liên để lại rất nhiều tranh về đề tài chân dung thiếu nữ trong chiếc áo dài, như: “Mùa thu thiếu nữ”, “Tuyết Mai”, “Thiếu nữ”, “Thiếu phụ”…
Là một họa sĩ say mê với đề tài phụ nữ, thế nhưng, Dương Bích Liên lại được coi là một người cô đơn “toàn diện”. Dường như ông không có bất cứ một ham muốn nào ngoài ham muốn sáng tạo: Không vợ con, không say sưa vật chất, không địa vị chính quyền, chưa một lần ra nước ngoài hoặc triển lãm riêng trong nước. Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên giữa chốn phồn hoa, nhưng Dương Bích Liên chọn một cuộc sống ẩn dật, xa lạ với những nơi tụ họp, những lễ nghi gặp mặt đến nỗi chính họa sĩ cũng thừa nhận: “Cô đơn là số phận của đời tôi”.
Chân dung thiếu nữ nổi tiếng "Thiếu nữ bên hoa cúc trắng" của họa sĩ Dương Bích Liên
Bức "Thiêu nữ bên hoa cúc trắng" của Dương Bích Liên khắc họa vẻ đẹp của một cô gái với đôi mắt mở to, trong sáng và thanh lịch. Họa sĩ đã khắc họa chiều sâu nội tâm của nhân vật qua đôi mắt. Những bông cúc trắng và không gian làm toát lên vẻ đẹp dịu nhẹ, kín đáo của người đẹp trong tranh.
Trần Văn Cẩn
Trong gia tài của danh họa Trần Văn Cẩn, đề tài phụ nữ trong trang phục áo dài cũng chiếm một vị trí quan trọng, đó là: “Thiếu nữ áo vàng”, “Em Khánh”, “Mùa đông sắp đến”, “Hai thiếu nữ trước bình phong”… Về đề tài phụ nữ, những bức họa này tuy không nổi tiếng như bức “Em Thúy” nhưng đã góp phần khắc họa chân dung danh họa Trần Văn Cẩn, một nghệ sĩ cách mạng lãng mạn.
Tác phẩm "Hai thiếu nữ trước bình phong" của danh họa Trần Văn Cẩn
"Hai thiếu nữ trước bình phong" là tranh lụa được Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1944, khi họa lên vẻ đẹp của thiếu nữ quyền quý ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Họa phẩm "Thiếu nữ đọc sách" nổi tiếng của Trần Văn Cẩn
"Thiếu nữ đọc sách" thể hiện tâm hồn trinh nguyên, nét đẹp trong trẻo vô ngần và sự thảnh thơi vô cùng tuyệt sắc của "nàng thơ" mà họa sĩ Trần Văn Cẩn thể hiện. Đây là tác phẩm thể hiện nét bút đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn trong nghệ thuật khắc và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ trong nghệ thuật.
“Em Thúy” là tên bức sơn dầu (60x45cm) của họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) sáng tác năm 1943 vẽ cô cháu gái Nguyễn Minh Thúy lên 8 của ông
Nhiều người yêu hội họa đã đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ để ngắm tuyệt tác "Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn. 75 năm đã trôi qua kể từ ngày bước chân vào thế giới hội họa, mọi vật đều thay đổi nhưng “Em Thúy” vẫn ngồi đó, mãi hồn nhiên, tươi trẻ, như dòng suối tinh khiết trong đời sống quá nhiều trần tục. Một vẻ đẹp Hà thành thật bình yên.
Từng tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937, từng được đồng nghiệp ngưỡng mộ suy tôn trong "bộ tứ họa sĩ" lừng danh thời ấy là "nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn", dù có nhiều tác phẩm nổi tiếng, song “Em Thúy” vẫn được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của danh họa Trần Văn Cẩn. Không chỉ vậy, “Em Thúy” còn được coi là một trong những tác phẩm tranh chân dung thành công nhất của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2014.
Tác phẩm “Em Thúy” được hoàn thành năm 1943 với khuôn khổ 60×40 cm tính đến nay đã gần thế kỷ nhưng vẫn được đánh giá là một tác phẩm lớn, của một danh họa lớn gây ấn tượng mạnh với người xem.
Trong tranh, em Thúy với mái tóc ngắn, nét mặt thơ ngây, mặc bộ quần áo màu trắng ngồi tự nhiên trên chiếc ghế mây. Bờ vai nhỏ nhắn, hai bàn tay đan nhẹ vào nhau, hai cánh tay gầy thả tự nhiên trên đùi, đôi mắt mở to, trong sáng trên khuôn mặt bầu bĩnh, mũi thẳng, miệng tươi xinh. Mọi chi tiết làm toát lên vẻ hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng pha chút ngỡ ngàng của tuổi thơ. Khuôn mặt tươi sáng là điểm nhấn của bức tranh. Bằng lối đặc tả tuổi thơ đầy sức sống trên gương mặt cùng các nét nhấn khẳng định hình khối của đôi tay và cơ thể, người xem cảm nhận được tình cảm của tác giả đối với tuổi thơ Việt Nam. Người xem nhận thấy ông như muốn nâng niu, bảo vệ sự trong sáng hồn nhiên của con trẻ, không muốn bất cứ điều gì làm vẩn đục tâm hồn thơ ngây ấy. Bức tranh gây xúc động bởi chính thông điệp giản dị về sự trong sáng, thánh thiện. Xem tranh ta như thấy được yên ả, thanh bình, như thấy được yêu thương… những tình cảm giúp con người muốn xa lánh, trút bỏ những điều ác để hướng về cái thiện.
Năm 2003, nhạc sĩ người Anh Paul Zetter đã viết bản “Little Thúy Minuet” (Điệu minuet cho em Thúy) khi ông ngắm nhìn bức tranh. Bản nhạc là cảm xúc mãnh liệt mà như ông chia sẻ: Ánh mắt của “em Thúy” đã chạm vào và tạo nên những xáo động nội tâm để mỗi người như được gặp lại tuổi thơ của chính mình…
"Em Thúy" được họa sĩ tái hiện năm 24 tuổi
Lưu Công Nhân
Lưu Công Nhân (1931-2007) là một trong những họa sĩ có nhiều triển lãm tranh nhất ở Việt Nam. Trong gần 60 năm làm nghề, ông đã vẽ hàng nghìn bức tranh với đủ chất liệu: sơn dầu, màu nước, giấy dó... Lưu Công Nhân đặc biệt nổi tiếng với các bức tranh nude và câu chuyện về lối sống phóng túng, dám dấn thân cho nghệ thuật của ông vẫn luôn là đề tài được giới văn nghệ truyền tụng bấy nay...
Họa phẩm "Thiếu nữ Hà Thành" của Lưu Công Nhân
Người thầy đầu tiên và trực tiếp của ông là hoạ sĩ Tô Ngọc Vân – khoá mỹ thuật kháng chiến tại Việt Bắc (1950 – 1953), nhưng thần tượng sâu kín của ông lại là Auguste Renoir (1841 – 1919), người Pháp. Renoir tiên phong về phong cách biểu hiện; luôn đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt cơ thể phụ nữ. Lưu Công Nhân chịu ảnh hưởng rất rõ về quan niệm này. Ông cũng xem và đọc rất nhiều sách mỹ thuật về thời Phục hưng ở châu Âu, về hội hoạ Trung Hoa (đặc biệt thuỷ mặc), về tranh dân gian Việt Nam. Lưu Công Nhân cho rằng việc một hoạ sĩ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ truyền thống, từ bên ngoài là chuyện đương nhiên, còn cái riêng, nếu có, là do khả năng chắt lọc của từng người, đặc biệt, phải bày tỏ được cõi lòng riêng tư của mình. Chính cõi lòng riêng tư làm nên cốt cách, bản sắc của từng hoạ sĩ, từng dân tộc.
Tác phẩm "Nude" trong thế giới nghệ thuật của Lưu Công Nhân
Họa phẩm "Chân dung thiếu nữ Hà Nội"
Phụ nữ Việt trong hội họa đương đại
Hội họa đương đại là một mảnh ghép không thể thiếu đối với nền mỹ thuật Việt Nam và những họa phẩm ra đời ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng đều đánh dấu sự nỗ lực của các nghệ sĩ trong thời điểm hiện tại. Các họa sĩ đương đại Việt Nam cũng rất tâm huyết với những cách thể hiện rất riêng và đậm chất hiện đại. Đề tài về phái nữ cũng được các họa sĩ khai thác và thể hiện với cách rất đặc sắc.
Lê Hữu Ích
Họa sĩ Lê Hữu Ích nổi tiếng với những tác phẩm phụ nữ mặc áo dài, đôi khi chỉ là dáng lưng, ẩn mặt. Lê Hữu Ích từng chia sẻ quan niệm của ông về phụ nữ đẹp. Phụ nữ đẹp trong con mắt của họa sĩ phải đẹp từ trong ra ngoài, và Lê Hữu Ích cho rằng phụ nữ đẹp khi họ thoáng nét cô đơn, u buồn phảng phất, thể hiện sự suy tư, trầm ngâm trong tâm hồn.
Tác phẩm "Cô gái và lồng chim" của Lê Hữu Ích
Bùi Hữu Hùng
Vốn nổi tiếng với tranh sơn mài và dòng tranh khách sạn, Bùi Hữu Hùng thường đưa yếu tố bí ẩn vào việc tạo dựng hình ảnh cho các nhân vật trong tranh của mình. Bùi Hữu Hùng được nhắc đến như một gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật đương đại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sơn mài. Những nét tinh tế, thâm trầm của chất sơn trong các bình phong, câu đối, tượng sơn thếp, nội thất cổ nơi đình, chùa là những gợi ý và ảnh hưởng sâu sắc tới họa sĩ để rồi được chắt lọc, chuyển hóa sang những tác phẩm sơn mài hiện đại.
Tác phẩm "Vợ quan" - Tranh sơn mài
Là họa sĩ đầu tiên đưa những hình ảnh ông hoàng, bà chúa vào hội họa, Bùi Hữu Hùng không chỉ khai thác về những yếu tố văn hóa cổ như quần áo, trang sức, motif hoa văn mà còn hình thành nên một thế giới quan đầy riêng biệt. Trong một không gian trầm mặc, những con người trong trang phục cung đình đứng hoặc ngồi giữa các đồ vật cổ sơ, như những hình ảnh hư ảo từ quá khứ, vừa hiện hữu vừa mơ hồ. Bức tranh là những câu hỏi đầy tính nhân sinh và hoài niệm được sáng tạo bởi thế giới tinh thần bí ẩn của người nghệ sĩ.
Nguyễn Quang Huy
Họa sĩ Nguyễn Quang Huy đã nhiều lần đặt chân lên các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong nhiều năm và hiểu biết rõ ràng được phong cảnh, con người và lối sống của họ. Anh thường tiếp xúc với nhóm người H’Mông ở Sapa, Lào Cai, và dân cư của họ còn trải dài sang các nước láng giềng như Lào, Thái Lan. Một kết quả rõ ràng là những tác phẩm của anh và triển lãm hiện tại của anh vẽ nhiều về phong cảnh và con người cư trú ở khu vực Sapa.
Một khu vực nổi tiếng của người Hmong ở Việt Nam là Lào Cai với Sapa là trung tâm, nơi có khí hậu mát mẻ và thường có sương mù bao phủ. Tranh của anh phản ánh cái mát lạnh mơ màng của núi rừng và những khía cạnh văn hóa, vẻ đẹp của thiếu nữ Hmông.
Có những tác phẩm anh vẽ họ trong những trang phục miền núi, hoàng hậu, và có những họa phẩm người bốn mặt, bốn mắt. Đó là trong các giai đoạn lịch sử khác nhau và các khu vực địa lý khác nhau.
"Bốn mặt" - Tác phẩm của Nguyễn Quang Huy về đề tài nữ giới
Nhiều năm nay, họa sĩ đã thực hiện một dự án nghệ thuật: tạo ra những ngôi đền dành riêng cho phụ nữ. Ở những ngôi đền này, anh muốn làm tất cả những gì đẹp nhất có thể để tôn vinh những người phụ nữ. Trong hội họa, anh vẽ nhiều phụ nữ Việt Nam nhiều tầng lớp, từ phụ nữ nông thôn, người miền núi, đến hoàng hậu. Họ thường được đặc tả với sự giản dị, thôn quê, đằm thắm, hiền hậu, nhưng bao trùm chung vẫn là sự bí ẩn.
Nét đằm thắm trong tranh về hình ảnh người phụ nữ của Nguyễn Quang Huy
Đoàn Ngọc Vững
Họa sĩ Đoàn Ngọc Vững với nét vẽ đậm chất phương Tây đã thể hiện sự tôn vinh với những “nàng thơ” trong thế giới hội họa của mình.
Chân dung "Anna Baella" trong thế giới Vurgo style của họa sĩ Đoàn Ngọc Vững
Nhìn tranh của anh, người ta liên tưởng tới Van gogh của Hà Lan, khi anh tận dụng triệt để Vurgo style trong các họa phẩm của mình.
Họa phẩm "Thiếu nữ dưới ánh trăng" - Vurgo style
Trương Mạnh Sáng
Họa sĩ Trương Mạnh Sáng thường dành sự quan tâm cho phái nữ trong các tác phẩm hội họa của mình. Các “nàng thơ” ăn vận trang phục miền núi với các hoa văn, họa tiết, màu sắc rất đặc trưng của người miền núi đã được họa sĩ Mạnh Sáng thể hiện một cách rất độc đáo và cuốn hút. Bên cạnh đó tất cả những đặc điểm này được họa sĩ thể hiện với một phong cách mang đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống và đồng bào vùng cao.
Các tác phẩm của họa sĩ Mạnh Sáng sáng tác về đề tài phụ nữ miền núi
Đỗ Quốc Thắng
Đỗ Quốc Thắng thường khai thác đề tài nữ tính với phong cách truyền thống. Anh thường thể hiện bằng những bảng màu sắc rực rỡ, đối chọi gay gắt nhau để tạo nên một ấn tượng thị giác tác động mạnh mẽ đến người xem, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ với người yêu nghệ thuật.
Tác phẩm "Những cô gái mở đường" của họa sĩ Đỗ Quốc Thắng
Lê Quang Sáng
Họa sĩ Lê Quang Sáng thể hiện phụ nữ trong thế giới của mình với nét đẹp quý phái, dịu dàng, xen lẫn sự mơ hồ và nét ảo diệu. Trong tranh của anh, các “nàng thơ” thường là những cô gái đang thả hồn hay đắm chìm vào những không gian, khung cảnh lãng mạn, ảo mộng. Chính vì đặc trưng này mà tranh của họa sĩ Sáng luôn tạo ra cảm xúc trong sáng và gây được sự chú ý với nghệ thuật.
Nét đẹp dịu dàng của cô gái Việt trong tác phẩm "Hương sen" - Lê Quang Sáng
"Sắc xuân"
Họa phẩm "Bồng bềnh"