Xem nhiều nhất
BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000
Tái hiện lại vai trò của nghệ thuật dân gian trong đời sống hiện đại qua những tác phẩm của nghệ sĩ Xuân Lam
Tái hiện lại vai trò của nghệ thuật dân gian trong đời sống hiện đại qua những tác phẩm của nghệ sĩ Xuân Lam
Cuộc sống càng hiện đại, con người càng có xu hướng lãng quên đi những giá trị văn hóa truyền thống vốn là cốt lõi của mạch nguồn văn hóa dân tộc. Sức mạnh của một dân tộc không chỉ nằm ở sức mạnh quân sự, ngoại giao mà còn được thể hiện trên mặt trận văn hóa. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Sức mạnh mềm của một dân tộc là câu chuyện mà các nhà văn hóa lớn đã thao thức đi tìm qua nhiều thập kỷ. Vậy nghệ thuật dân gian có vai trò như thế nào trong đời sống hiện đại? Hãy cùng Vietnam Gallery tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  Chân dung nghệ sĩ Xuân Lam bên những sáng tác mang đậm bản sắc dân gian và tinh thần tự hào dân tộc của mình

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam sinh năm 1993, quê quán Hà Nội. Anh là một nghệ sĩ trẻ năng động có nhiều kinh nghiệm và đa tài ở nhiều lĩnh vực, từ thiết kế đồ họa, in ấn tới mỹ thuật ứng dụng. Vốn có niềm đam mê mỹ thuật từ nhỏ, họa sĩ Xuân Lam theo học ngành Hội họa ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mảng thiết kế đồ họa tự học trên máy tính, anh liên tục thử nghiệm hình vẽ chì kết hợp màu đồ họa và thành công tạo ra các phiên bản tranh dân gian hiện đại.

Dự án vẽ tranh dân gian lên mặt đồng hồ

Nghệ sĩ Xuân Lam vinh dự là nghệ sĩ Việt Nam được thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret sử dụng tác phẩm nghệ thuật và hình ảnh từ dự án “Vẽ lại tranh dân gian” để thiết kế mặt trước của chiếc đồng hồ Hai Bà Trưng nhằm thể hiện sự tôn vinh tới hai vị nữ anh hung dân tộc Việt Nam Trưng Trắc và Trưng Nhị. Chiếc đồng hồ đã nhận được sự yêu thích và quan tâm vô cùng sâu sắc từ người Việt trong và ngoài nước cũng như cộng đồng người nước ngoài quan tâm tới Việt Nam.

 

        Hãng đồng hồ Christophe Cloret của Thụy Sĩ sử dụng tác phẩm dân gian về Hai Bà Trưng của nghệ                                                   sĩ Việt Nam cho mẫu thiết kế đồng hồ đình đám của mình

Dự án tranh dân gian Kim Hoàng

Bên cạnh đó, nghệ sĩ này cũng có 7 năm đồng hành với những dự án tranh dân gian Kim Hoàng. Xuất phát từ việc năm 2021, đánh dấu chặng đường 5 năm khám phá và khai thác kho tàng tranh dân gian Việt của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam. Từ những ký ức tuổi thơ ùa về khi ngắm nhìn bức “Ngũ hổ” ở nhà bà ngoại hay “Đám cưới chuột” trong sách giáo khoa mỹ thuật đến lần tình cờ bắt gặp tranh dân gian ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Xuân Lam đã bắt đầu bén duyên với hình thức tạo hình lâu đời này.

                      Nghệ sĩ Xuân Lam tái hiện lại dòng tranh dân gian Kim Hoàng bằng hình ảnh cá chép

Các tác phẩm trong series của anh “Vẽ lại tranh dân gian” được thực hiện trong giai đoạn năm 2016-2017 chủ yếu lấy mẫu từ tranh dân gian Đông Hồ, ngoài ra còn có sự xuất hiện và góp phần của tranh dân gian Hàng Trống và tranh thờ tự của các tỉnh thành phía Bắc. Nét chì lộ rõ cùng kỹ thuật chuyển màu gradient trong đồ họa vi tính đêm đến một sự sắc nét, tinh tế, uyển chuyển cho tranh của anh, đối lập với thẩm mỹ làng quê thô mộc, giản dị và khỏe khoắn của tranh dân gian Đông Hồ vốn dùng kỹ thuật in khắc gỗ. Những dị bản tranh dân gian đồng điệu một tông đỏ, cam, vàng, lục của Xuân Lam đã tái hiện theo một hình thức sống động, phù hợp với lối sống thị thành và gu thẩm mỹ của giới trẻ. Trong triển lãm cá nhân “Cuộc gặp gỡ xưa – nay” (2019) tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Xuân Lam đã phóng to kích thước các tác phẩm của mình và giải phóng chúng khỏi bố cục chữ nhật thông thường.

                              Những tác phẩm trong dự án "Vẽ lại tranh dân gian" của họa sĩ Xuân Lam

Nghệ sĩ Xuân Lam cho biết, trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam, nổi tiếng nhất là hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Ngoài ra còn có nhiều dòng tranh khác được ít người biết đến như tranh dân gian Kim Hoàng, tranh làng Sình… do các biến cố của thời đại khiến các dòng tranh này gần như biến mất và bị mai một dần đi. Thế kỷ 19, làng tranh Kim Hoàng phát triển mạnh, nhưng sau trận lụt năm 1915, làng bị ngập trắng và phần lớn ván in tranh bị nước cuốn trôi đi. Đến năm 1945 thì tranh Kim Hoàng hoàn toàn không còn được sản xuất nữa dẫn đến việc bị thất truyền. Ngày nay, chỉ còn một vài ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 2015, nghệ sĩ Xuân Lam kết hợp cùng với nhà nghiên cứu văn hóa cổ Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các cộng sự đã bắt đầu dự án khôi phục lại dòng “tranh đỏ” này. Lý do tranh Kim Hoàng được gọi là dòng “tranh đỏ” vì một trong những đặc điểm nổi bật nhất của tranh là luôn được in trên giấy nhuộm nền đỏ, hồng điều hoặc cam để phù hợp với không khí tươi vui của ngày Tết miền Bắc. Giấy đỏ để làm tranh của dòng tranh Kim Hoàng cũng rất độc đáo và trở thành một đặc điểm riêng biệt, độc đáo và dị bản của dòng tranh này.

  Nghệ sĩ luôn nghiêm túc với hành trình sáng tạo và khôi phục lại  những loại hình nghệ thuật dân gian vốn có nhiều gian nan này (Ảnh: Facebook họa sĩ)

Ván in của tranh Kim Hoàng cũng được họa sĩ cho biết là nó được khắc hình với những nét vẽ tinh tế thanh nhã hơn so với ván in tranh Đông Hồ, khi in làm nổi bật lên những đường nét mực trên tấm giấy hồng điều. Đường nét của tranh Kim Hoàng  mang tính hình tượng hóa, cách điệu hóa nhiều hơn hẳn so với tranh Đông Hồ, mặc dù nó cũng sử dụng cùng một chủ đề.

                    Cặp thanh xà - bạch xà trong dự án "Vẽ lại tranh dân gian" của nghệ sĩ Xuân Lam

Về kỹ thuật in, nghệ sĩ Xuân Lam cho biết nếu như tranh Đông Hồ chỉ được hoàn thành nhờ in ván đen và in ván các màu thì tranh Hàng Trống lại chỉ in các nét mặc đen rồi tô màu, thì tranh Kim Hoàng lại được in hai lần. Đầu tiên người nghệ nhân đặt tấm giấy lên trên bề mặt ván in, ấn nhẹ xuống, bước này được gọi là “in nhá” tức kỹ thuật in để trên tấm giấy xuất hiện những nét mực mờ. Bước tiếp theo, nghệ nhân dùng bút màu tô lên theo cảm hứng của riêng mình, cuối cùng mới đặt tấm tranh xuống, in thêm một lần nữa (gọi là “in đồ”), dùng xơ mướp khô xoa nhẹ để làm nổi bật rõ các đường nét.

                  Anh luôn thả hồn vào từng chi tiết, đường nét của mỗi tác phẩm (Ảnh: Facebook họa sĩ)

Nghệ sĩ Xuân Lam cũng cho biết, về màu sắc, tranh Kim Hoàng thường dùng màu mực tàu và các loại màu sắc có nguồn gốc từ tự nhiên, rồi được trộn với các chất kết dính là keo da trâu, khác với dòng tranh Đông Hồ là dùng hồ nếp. Màu trắng được tạo ra từ thạch cao, phấn nghiền nhuyễn trộn với nước, màu xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm, màu đỏ lấy từ son, màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ nước ép của cây dành dành. Màu sắc của tranh Kim Hoàng tươi tắn, rực rỡ và ấn tượng với những màu như đỏ hiên, đỏ điều, đỏ sen, vàng yến, qua thời gian vẫn giữ gìn được độ bền sắc thắm buổi ban đầu, đặc biệt phù hợp với dòng tranh treo ngày Tết.

Về kỹ thuật tô màu, tranh Kim Hoàng không giống như dòng tranh Hàng Trống (thường dùng màu và nước hòa quyện với nhau để tạo nên những khoảng đậm nhạt khác nhau) mà dùng màu thật đậm đặc, khỏe khoắn, nét đưa bút cũng mạnh mẽ và phóng khoáng, một phần là bởi người làm tranh cần phải chọn lối vẽ nhanh. Bút pháp về kỹ thuật tô màu có lối vẽ nhanh, tốc độ linh hoạt kiểu quen tay, để có thể hoàn thành được những bức tranh cho kịp thời gian nhưng cũng không thể phủ nhận một lý do khác chính là thẩm mỹ của làng quê, coi trọng sự chắc khỏe, đơn giản, khúc chiết. Ngoài giấy hồng điều làm nền và màu sắc cháy bừng mạnh mẽ, tranh Kim Hoàng còn có một đặc điểm độc đáo khác nữa, đó chính là thơ đề trên góc bức tranh và bùa trấn tà.

“Những bức tranh dân gian một thời nhỏ bé nay đã trở nên lớn hơn người thường, bước ra khỏi khuôn khổ của tờ giấy, hòa mình vào không gian của triển lãm và mời gọi người xem trải nghiệm”, họa sĩ Xuân Lam cho biết.

Tác phẩm "Miếng trầu là đầu câu chuyện" của họa sĩ Xuân Lam, kích thước 80x60cm, chất liệu acrylic, sáp dầu, ảnh và báo cũ trên linen (Ảnh: Facebook họa sĩ)

Không chỉ dừng ở đó, bộ tác phẩm của Xuân Lam còn được ứng dụng vào các sản phẩm thời trang và đồ dùng thường ngày như túi vải, sổ tay, lịch để thu hút cả người tiêu dùng Việt lẫn du khách nước ngoài. Đề tài Múa rồng và Múa lân trong tranh Hàng Trống cũng chính là cảm hứng để anh thực hiện các dự án nghệ thuật công cộng ở Phùng Hưng và Phúc Tân (Hà Nội). Lần này, không chỉ có hình thức mà cả nội dung đều đã được họa sĩ sáng tạo thêm để các biểu tượng dân gian hòa nhập hơn với bối cảnh đương đại. Theo nghệ sĩ thì trong dự án tranh của anh, những nhân vật dân gian được khoác lên mình các bộ trang phục thời thượng, tượng trưng cho sự phát triển của kinh tế và hội nhập toàn cầu của xã hội Việt Nam. Nghệ sĩ cũng tự hỏi: Khi nhu cầu “ăn no, mặc ấm” trở thành “ăn ngon, mặc đẹp” thì những nhân vật trong tranh dân gian sẽ bước ra đường phố thế kỷ 21 trong tinh thần như thế nào?

Tác phẩm của anh còn có mặt trong bộ sưu tập "A Dose of Joy" của tuần lễ thời trang Xuân - hè 2023 tại Milan, Ý (Ảnh: Facebook họa sĩ)

 

Chia sẻ :

BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000