Xem nhiều nhất
BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000
Tín ngưỡng thờ hổ của văn hóa Việt trong dòng tranh dân gian Hàng Trống
Tín ngưỡng thờ hổ của văn hóa Việt trong dòng tranh dân gian Hàng Trống
Trong số 12 con giáp, hổ là linh vật đặc biệt khi được nhiều nền văn hóa các nước và Việt Nam tôn sùng. Hình tượng loài hổ đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng cũng đầy bí hiểm với sức mạnh siêu phàm nơi rừng sâu núi thẳm. Trong nghệ thuật tạo hình, “Ông Ba Mươi” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính, là biểu tượng của võ tướng với uy thế dũng mãnh được thờ cúng quyền kính trong những không gian thờ đình, chùa, miếu mạo. Thậm chí, trong những bức tranh dân gian của các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng, Hổ là biểu tượng cho sức mạnh tâm linh thể hiện ra vũ trụ quan của người Việt. Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở những tác phẩm hội họa, những bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống vẽ hổ ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông. Vậy tục thờ Hổ đã được nhân dân ta thờ kính và biểu hiện như thế nào qua các tác phẩm nghệ thuật cũng như tranh dân gian Hàng Trống? Hãy cùng Vietnam Gallery tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Nguồn gốc thờ thần “Ông Ba Mươi” trong văn hóa Á Đông

Hình tượng ông Hổ hay Chúa Sơn Lâm được tôn vinh và thờ phụng trong nhiều nền văn hóa của các nước ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, hình tượng loài hổ đã gắn liền với quan niệm thần giám hộ của quốc gia. Nhiều nước châu Á quan niệm hổ tượng trưng cho sự uy mãnh, sức mạnh và tục lệ thờ hổ cũng bắt nguồn từ đó. Trong quan niệm của dân gian Việt Nam, hổ hay còn gọi là “Ông Ba Mươi” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính dành cho Ông Hổ trong những không gian tâm linh như đình, chùa, miếu mạo.

Trong dân gian Việt Nam thì hổ được gọi với nhiều tên vì người ta kiêng húy, kỵ hóa. Một số người không dám gọi thẳng tên, mà gọi chệch đi để kỵ húy, cũng như tỏ ý tôn trọng hay thành kính. Nhiều địa phương lập miếu thờ cọp, gọi cọp là Sơn Thần, Sơn Quân Chúa Sơn Lâm và bao giờ cũng thêm chữ “Ông”, “Ngài” đứng trước để bày tỏ sự tôn kính với vị thần Chúa Sơn Lâm này.

Đối với các nước ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á khác, hình tượng loài hổ đã trở nên vô cùng thiêng liêng.

Trung Quốc

Người Trung Quốc cho rằng màu lông trên trán hổ giống với chữ “Vương” theo tiếng Hán, do đó người dân nước này tin rằng con hổ sinh ra vốn đã là vua. Trong văn hóa Trung Hoa, loài hổ cũng được tôn lên ngang hàng với long (rồng) – một con vật trong tưởng tượng biểu trưng cho sức mạnh của trời đất. Người Trung Hoa từng miêu tả rồng, hổ và kỳ lân là bộ ba hình tượng uy nghiêm nhất. Trong khi hầu hết những con vật may mắn trong văn hóa Trung Quốc đều là giả tưởng thì hổ lại là loài vật có thật trong cuộc sống.

Người Trung Quốc tôn sùng linh vật này và xem đây là biểu tượng chống lại ba đại họa của một gia đình như hỏa hoạn, trộm cắp và tà ma. Theo truyền thống, người ta tin rằng trẻ em đội mũ, đi giày có hình đầu hổ vào năm mới sẽ được bảo vệ khỏi tà ma.

Hàn Quốc

Người Hàn Quốc quan niệm rằng hổ mang hơi hướng thần thoại và cho đến ngày nay loài vật này được coi như Thần giám hộ của đất nước này.

Người Hàn tôn vinh hổ là sinh vật linh thiêng xua đuổi tà ma, đem lại sự thanh thế và may mắn. Đó là lý do vì sao hổ thường được xuất hiện rất nhiều trên các bức tranh ngày đầu năm mới được gọi là “sehwa”, và trên những lá bùa gọi là “dano”.

Do ý nghĩa biểu tượng của nó, linh vật hổ đã được người Hàn giới thiệu tại Thế vận hội mùa hè Seoul 1988 và Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018.

Ấn Độ

Ấn Độ với đặc điểm là khu vực phân bố nhiều loài hổ nhất trên thế giới, vì vậy đối với người Ấn thì hổ là loài vật quan trọng. Hổ tượng trưng cho sức mạnh, có thể trấn áp được ma tà quỷ quái. Vì vậy, để biểu thị sức mạnh và quyền lực, các vị lãnh chúa thường trang trí một tấm da hổ trong phòng hoặc ngồi trên một tấm da hổ khi tiếp khách. Trẻ em Ấn Độ thường đeo một chiếc răng hổ như một loại bùa phép trừ tà ma. Đàn ông thì đeo răng hổ để tăng thêm sự nam tính, sức khỏe và lòng dũng cảm.

Trong tranh tượng đạo Hindu, da hổ là một chiến quả của thần Shiva và hổ là vật cưỡi của thần Shakiti. Hổ còn là vật cưỡi của nữ thần Durga trong cuộc chiến chống lại ác quỷ Parvati ở miền Nam Ấn Độ. Sự chiến thắng mọi trở ngại trên con đường tu chứng được thể hiện khi hình tượng Ngài Bồ Tát Văn Thù cưỡi trên lưng hổ và đó chính là sự tượng trưng cho thành quả diệt trừ được tham, sân, si và nghiệp chướng, tu thành đắc đạo.

Các nước Đông Nam Á khác

Cũng như ở Ấn Độ, một số quốc gia theo đạo Hindu như Indonesia, người dân nước này quan niêm da hổ là một chiến quả của thần Shiva. Hổ là vật cưỡi của Shakti, vị thần đại diện cho quyền lực, khả năng, sức mạnh sáng tạo của năng lực thiên nhiên mà Shiva đã không chế ngự được.

Ở Malaysia, hổ được thể hiện trên quốc huy của nước này, biểu tượng của chính quyền, pháp đình cũng như lực lượng cảnh sát hoàng gia, ngân hàng quốc gia… Cùng với sư tử, hổ được thể hiện trên quốc huy của Singapore như một biểu tượng của nước này.

Ở Tây Tạng, sự hiện diện của tứ linh trên lá cờ Lungta là để bảo hộ nguồn năng lượng gia trì của chư Phật, Bồ tát bốn phương. Trong đó, hổ vàng tượng trưng cho niềm kiêu hãnh, sự tỉnh thức và lòng khiêm hạ. Hổ an trụ trong thần thái thư giãn tự nhiên của sự hài lòng và viên mãn mọi tâm nguyện.

Tục thờ thần Hổ ở Việt Nam

Đối với người Việt, hình tượng loài hổ đã xuất hiện trong tín ngưỡng và tôn giáo từ rất lâu đời. Hổ đã xuất hiện trên mặt trống đồng đến các miếu đền thờ thần Hổ cho thấy sự gắn bó từ ngàn đời nay của loài vật này với người dân Việt Nam.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ được gắn với tục lệ thờ Mẫu. Thần hổ uy linh và đầy huyền bó đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, trở thành một nhân vật được thờ cúng ở rất nhiều điện, đền, phủ. Các đình chùa, miếu mạo thường chạm khắc hình tượng hổ để thể hiện sự thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Hổ là linh vật trấn giữ đền miếu, tam quan, đứng uy mạnh bên các trục thần đạo trong lăng mộ. Nhiều đền, miếu ở Việt Nam còn có ban riêng thờ ông Hổ. Ở miền Nam còn lập đền thờ ông Hổ với ý nghĩa giống như đền thờ Cá Ông. Hình tượng hổ được tạc chầu trong các ban thờ Mẫu với năm màu sắc tượng trưng cho ngũ hành, được gọi là Quan Ngũ Dinh (Quan Lớn Tuần Dinh), được coi là thần hộ pháp bảo vệ cho bản đền và là bộ hạ của Thần, Thánh, Mẫu và trấn giữ các phương.

Người ta quan niệm rằng thần Hổ trấn giữ bốn phương, bốn cõi và có uy quyền mạnh mẽ trong tay, vạn vật có sinh tồn được hay không là phải do ngài phán quyết. Việc thờ thần hổ còn ngụ ý mong cho gia đình sung túc, khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi, vật nuôi trong nhà được hưng thịnh. Như vậy có thể thấy, hổ có vị trí, vai trò rất đặc biệt và quan trọng trong tín ngưỡng của văn hóa Việt. Vì thế, trong môi trường sống bất trắc, con người phải đối mặt với nhiều loài động vật hung hãn, đe dọa đến tính mạng và sự sinh tồn. Tâm lý sợ hãi những động vật uy quyền đã tác động trực tiếp đến việc tôn sùng, do đó việc thờ phụng thần hổ chính là một cách để giải tỏa tâm lý.

Tượng hổ trong điện thờ miền Bắc được sắp xếp theo trật tự không gian từ cao xuống thấp. Trong đó, phần trung điện thờ các chư vị thiên thần, nhân thần. Hạ điện thờ ngũ hổ. Thanh xà, bạch xà cuốn trên xà ngang thuộc tầng cao nhất của điện. Thần hổ được giữ vị trí nhất định trong điện thờ Mẫu, thể hiện sự cân bằng giữa hai miền thiên phủ, địa phủ, góp phần trấn an cho cửa điện.

                                                           Tác phẩm "Ông Ba Mươi"

Trong điện thờ Mẫu, ban thờ ngũ hổ được đặt dưới điện thờ Công đồng. Một số nơi tách riêng ban ngũ hổ như đền Mẫu Ba Cây (Sơn Tây), đền Mơ Táo (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh)… Một số đền, phủ thờ Mẫu khác đặt ban ngũ hổ phía dưới động Sơn Trang như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Cô Bé Tân An (Lào Cai), đền Đồng Bằng (Thái Bình)…

Ngũ hổ bao gồm hoàng hổ (hổ vàng – hành thổ) ở vị trí chính điện, thanh hổ (hổ xanh – hành mộc) ứng với phương Đông, bạch hổ (hổ trắng – hành kim) ứng với phương Tây, xích hổ (hổ đỏ - hành hỏa) ứng với phương Nam, hắc hổ (hổ đen – hành thủy) ứng với phương Bắc. Hình tượng ngũ hổ không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh tương khắc của nhân gian mà còn khẳng định vai trò, sức mạnh của van vật trong Vũ trụ và sự khuất phục của chư vị thiên thần, nhân thần, muông thú trước quyền uy của Thánh mẫu. Hình tượng ngũ hổ tiêu biểu cho sức mạnh toàn năng, có thể cứu độ nhân gian, giúp đời, trấn an bản điện. Ngũ hổ là bộ hạ đắc lực của thánh Mẫu trong việc trừ gian diệt ác, trấn trừ tà ma ngoại đạo.

Thần Hổ được tái hiện trong dòng tranh dân gian Hàng Trống

Cùng với tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện với nhiều biến thể đa dạng, phong phú trên các loại hình, chất liệu khác nhau từ tượng thờ, vật liệu trang trí, tranh thờ dân gian mang nhiều ý nghĩa, gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Thần Hổ còn được dân gian gọi với nhiều danh xưng khác nhau như: ông, ngài, cậu chúa…

Tiếp theo là “Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu công nguyên”, gắn với các quan niệm về Tứ tượng hay còn gọi là Tứ linh, Tứ Thần thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc). Các thần thú này còn đại diện cho các khía cạnh khác như: bốn mùa trong năm, bốn nguyên tố trong tự nhiên (đất, nước, lửa, khí), vị trí của các chòm sao trong thiên văn học thời cổ…

Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân gian cũng xây dựng biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu như: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy... Hổ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Ở nước ta tác phẩm hội họa dân gian tiêu biểu nhất vẽ về hổ mang tính cộng đồng thuộc về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tranh Hàng Trống khắc họa hình tượng Ngũ hổ được kết hợp độc đáo trong bản điện thời tín ngưỡng Tam, tứ phủ với đủ phong cách thể hiện.

Dự án "Đối thoại với tranh Hàng Trống" của giám tuyển, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã tái hiện lại một thời kỳ hoàng kim rực rỡ của dòng tranh đặc sắc này. 

                                                                     Tác phẩm "Gái năm dần"

Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - ông Lê Đình Nghiên có hơn 40 năm làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có tay nghề rất cao và dù đã về hưu nhưng hiện ông vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng vẽ tranh. Các bộ tranh thờ hổ do ông thực hiện ngày nay có bố cục hoàn thiện, màu sắc rực rỡ mà bền đẹp, các chi tiết tinh tế tuyệt hảo. Ông tô và cán màu thành thạo tới mức người xem có cảm giác như tay ông đang múa. Với họa sĩ chuyên nghiệp thì càng quen tay càng dở nhưng với nghệ nhân dân gian Hàng Trống ở đỉnh cao thì càng quen tay càng đáng quý.

          Nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng còn lưu truyền tranh Hàng Trống đến ngày nay

Tranh dân gian Hàng Trống đã từng là món ăn tinh thần một thời của người Hà Nội, là đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian lưu giữ những hồn cốt còn sót lại của dân tộc. Tranh Hàng Trống được người Hà Nội xưa ưa chuộng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm.

Hổ hiện diện từ những nỗi lo của cuộc sống thường nhật rồi đi vào tôn giáo tín ngưỡng với những hình thức biểu tượng đa dạng phong phú. Đây chính là cách con người nghĩ ra để khuất phục uy quyền, chi phối sự hung dữ, đồng thời cũng là để tiến một bước tiếp theo là mượn uy linh của loài vật này mà trừ tà, trấn trạch cầu phúc cho đời sống nhân sinh.

                                                         Nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ hổ

Hổ trong những bức tranh dân gian là một trong những biểu tượng đặc sắc của mỹ thuật truyền thống ở Việt Nam. Các bức tranh như: Ngũ Hổ, Độc Hổ (hắc Hổ, bạch Hổ, thanh Hổ, xích Hổ, hoàng Hổ) của dòng tranh dân gian Hàng Trống; Thanh Long – bạch Hổ của dòng tranh dân gian Kim Hoàng; ông Hổ của dân gian làng Sình; Hổ thần tướng của dòng tranh Kính Nam Bộ. Với những cách thể hiện khác nhau, mỗi dòng tranh dân gian lại chứa đựng thông điệp khác nhau của nền văn hóa cổ phương Đông.

Sớm nhất trong những bức tranh kể trên có lẽ là những bức tranh ngũ Hổ của nghệ thuật dân gian Hàng Trống xuất hiện khoảng hơn 400 năm trước. Các tác phẩm này là kết quả của sự hội tụ các luồng tư tưởng văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng vùng miền ở Việt Nam, phản ánh tín ngưỡng tối cổ của người Việt thờ những thế lực tự nhiên.

Những tác phẩm nghệ thuật dân gian này là sự bồi đắp và kết tinh hình ảnh hình tượng để có được một tác phẩm mang tính toàn thiện thể hiện ra quan niệm về vũ trụ tương sinh. Trong bức tranh Ngũ Hổ, Hổ vàng được đặt làm nhân vật trung tâm với dáng vẻ đầy uy quyền. Trên đầu Hổ là chòm sao Đại Hùng Tinh. Chân trước con vật này giữ một tấm bài vị với 4 chữ “Pháp đại uy linh”.

                                 

Ở tranh Hàng Trống, dòng tranh dân gian nổi tiếng của Hà Nội – hình tượng của Ngũ Hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con hổ một dáng vẻ: con thì đứng, con thì ngồi, con thì cưỡi mây cưỡi gió

Kỹ thuật điệu nghệ của những nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống khi tạc lại những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ cưỡi mây đến những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài “chúa sơn lâm. Bằng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, qua hình tượng “Ngũ hổ”, các nghệ nhân tranh Hàng Trống mong muốn phản ánh những thông điệp huyền bí mang tính tín ngưỡng dân gian. Từ ánh mắt, hướng quay mặt đến cách đặt chân đều thể hiện sự uy mãnh của 5 ông Hổ và mang theo những thông điệp theo thuyết ngũ hành. Bức tranh hội tụ đủ 5 màu sắc vàng, xanh, đỏ, đen, trắng tượng trưng cho sự tương sinh tương khắc của ngũ hành, tương ứng với từng thế, dáng của hổ. Theo thuyết âm dương ngũ hành thì hành Thổ là sự quy tàng của bốn hành kia trong chu kỳ vận động của Ngũ hành. Đó là nguyên nhân cho việc tạo màu trong tranh thờ Ngũ Hổ, với việc để hổ vàng đứng giữa và lớn hơn cả. Ở tranh dân gian Hàng Trống, trên đầu hổ vảng, dưới mặt trời có 7 chấm là hình tượng của chòm sao Đại Hùng Tinh. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “Pháp đại uy nỗ”. Hai bên có 5 thanh kiếm, 5 lá cờ lệnh, thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của Vũ trụ và sự tương tác với địa cầu. Hộ trợ cho khí phách của hình tượng hổ trong tranh dân gian Hàng Trống là những đám mây vần vũ huyền ảo được vẽ ở phía trên và phía dưới là hai tảng núi cách điệu đối xứng cho hai ngài hổ đứng.

Ngắm nhìn tranh Hàng Trống, người yêu dòng tranh đậm bản sắc dân gian văn hóa Việt càng thêm vững tâm khi nhìn ngắm 5 “Ông Ba Mươi”, người xưa sẽ nghĩ đến một lá bùa trấn tà ma. Việc treo tranh Ngũ Hổ trong nhà vào dịp Tết sẽ đem lại cảm giác về sự xum vầy, đầy đủ, an yên trong lòng vì được chở che, bảo vệ.

                           "Ngũ hổ" nổi tiếng trong tranh dân gian Hàng Trống và "Bạch hổ", "Hoàng hổ"

Bên phải là năm thanh gươm, bên trái là năm lá cờ lệnh. Xung quanh là hình tượng bốn ngài Hổ với các màu tượng trưng cho bốn phương trời đất: phương Bắc màu đen; phương Nam màu đỏ, phương Tây màu trắng, phương Đông màu xanh, chầu về trung tâm là màu vàng theo một vòng ngũ hành tương sinh. Kim (hổ trắng) sinh Thủy, Thủy (Hổ đen) sinh Mộc, Mộc (Hổ xanh) sinh Hỏa, Hỏa (Hổ đỏ) sinh Thổ, Thổ (Hổ vàng) sinh Kim. Ngoài ra đối với các hệ màu sắc này, người xưa còn gửi gắm vào đó những thông điệp ẩn tàng như: Hoàng Hổ - màu vàng thể hiện sự ổn định, bền vững, lâu dài.

         Thanh Hổ - màu xanh thể hiện sự êm đềm dịu dàng và tượng trưng sự phát triển nảy nở sinh sôi

 

                     Bạch Hổ - màu trắng thể hiện sự mạnh mẽ, tượng trưng cho sự khởi phát bứt phá

                    

                                         Xích Hổ - màu đỏ thể hiện sự năng động, vui vẻ, hạnh phúc

        

            Hắc Hổ - màu đen thể hiện sự thanh thản, điềm tĩnh, tượng trưng cho trí tuệ và sự thông minh

Không chỉ với cách thức bố cục trình bày một cách khúc triết theo trật tự từ trong ra ngoài, từ cao tới thấp, từ chính đến phụ dựa trên nguyên lý ngũ hành mà phần nền của tác phẩm cũng mang đậm sắc thái tượng trưng. Phía trên là trời mây ngũ sắc vần vũ, chính giữa là mặt trời tượng trưng cho sự quang minh chính đại, phía dưới là những mỏm núi cao lưng trời, nơi những con Hổ hiển thị uy linh. Tất cả như gợi lên một cảm giác về sự trang nghiêm linh ứng.

Bên cạnh các tác phẩm tranh dân gian kể trên, hình tượng con Hổ còn được sử dụng trong các tranh bùa chú trấn trạch. Cặp tranh Thanh Long – Bạch Hổ của dân gian Kim Hoàng là một ví dụ điển hình. Rồng xanh chầu bên trái, Hổ trắng phục bên phải thì mọi tà ma đều tránh xa. Không những vậy sự thị hiện của rồng chầu Hổ phục còn đem lại sinh khí tốt tươi cho gia chủ - một thuật phong thủy rất phổ biến trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Ngoài ra các chiếc bùa trấn trạch hiện nay vẫn thường xuyên được sử dụng khi làm lễ tân gia, nhập trạch, ta vẫn thấy hình tượng con Hổ được hiện diện, dù rằng cuộc sống của người Việt đã vô cùng hiện đại. Dẫu không còn liên quan đến núi rừng nhưng việc trấn trạch bằng hình tượng một con Hổ ngồi khoan thai một chân đưa lên phía trước thị uy, chính là sự mượn oai Hổ – Linh Hùm để xua đuổi tà ma, chướng khí, ngõ hầu mang đến một cuộc sống bình an. 

Thế đứng hổ là nét phiêu mãnh, bộ lông hổ là cái phiêu mỹ, dáng đi hổ là vẻ phiêu uy, đôi mắt hổ là sự phiêu hùng, tiếng hổ gầm tột bậc phiêu dũng của đại ngàn hằng luân...

 

 

Chia sẻ :

BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000