Nghệ sĩ Phi Phi Oanh và dấu ấn cá nhân ở những triển lãm cá nhân
Nghệ sĩ Phi Phi Oanh, sinh năm 1979 tại Houston (Mỹ), cô tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật, trường Parsons School of Design (2002) và thạc sĩ Mỹ thuật và Nghiên cứu, Đại học Madrid Complutense (2012). Năm 2004, cô nhận học bổng Fullbright tới Hà Nội nghiên cứu và học về sơn mài. Từ đó tới nay, sơn mài đã trở thành trọng tâm thực hành nghệ thuật của Phi Phi. Đối với cô, sơn mài được sử dụng như một chất liệu của hội họa, để truyền tải ký ức hay tư duy, để trải nghiệm các lý thuyết hiện hành về hình ảnh, và mở rộng tới các phương thức thử nghiệm và quy mô mới.
Ý nghĩa tên gọi triển lãm “Arca Noa”
Trở lại Manzi sau tròn sáu năm – kể từ triển lãm cá nhân “Scry – Thấu” vào tháng 12 năm 2016 – tại lần trưng bày này, Phi Phi Oanh tiếp tục khảo nghiệm và trình hiện những khả thể của sơn mài với loạt tác phẩm mới. Với những nỗ lực đem đến cho sơn mài “chất và diện” mới, nghệ sĩ Phi Phi Oanh đem đến cho người xem cái nhìn thỏa mãn với nguồn cơn từ thị giác. Với các tác phẩm sơn mài đa dạng về kích thước, quy mô, thủ pháp, triển lãm “Arca Noa” gồm 10 tranh sơn mài thuộc các series khác nhau cùng một sắp đặt với hai “Thấu kính sơn mài” (Lacquerscopes). Tên gọi của trưng bày lần này gồm hai thành tố có nguồn gốc từ Latin: “Arca” chỉ đồ vật có đặc tính chứa đựng, lưu giữ, hình dáng như cái rương/ hòm; vốn là gốc từ của “Ark” (nghĩa là con thuyền trong tiếng Anh) – gợi nhắc con tàu huyền thoại của Noah và trận đại hồng thủy được kể trong Sáng thế ký. Còn “Noa” vốn là tên con gái của nghệ sĩ, ở đây đại diện cho kẻ được truyền thừa di sản trần thế này với tất cả những tôn tạo và phá hủy, chinh phục và chiếm đoạt mà thế hệ trước để lại.
“Arca Noa” là nỗ lực nắm giữ và lưu trữ, trong hình hài sơn mài, mối quan hệ của chúng ta – loài người với Trái Đất, là bằng cứ cho sự chấp nhất và ý chí chiếm hữu của con người với tự nhiên, khao khát thuần hóa và vật hóa mọi thực thể và sự sống xung quanh. Các tác phẩm được trưng bày vừa như một sự thu lưu ngẫu nhiên những tàn tích của kỷ nguyên này – một thời đại lơ lửng trong trạng thái cân bằng mong manh, lại vừa như một sự biểu tượng hóa cái nhìn luôn đặt con người làm trọng tâm”.
Tranh của nghệ sĩ Phi Phi Oanh gợi mở một thế giới bản thể cô độc với những khối hình đơn giản và màu sắc sẫm tối. Đôi khi, chủ thể không nằm ở trung tâm bức tranh mà trôi nổi, bất định, điều nay gợi cho người xem sự bí hiểm, sâu sắc về sự sống và cái chết, tạo hóa và phá hủy.
Các tác phẩm cũng là khám phá của Phi Phi Oanh về một dạng chủ nghĩa hiện thực trong sơn mài ; dựa trên sự quan sát trực tiếp lặp đi lặp lại kéo dài nhiều ngày của người nghệ sĩ, trong từng bước phủ lớp nọ lớp kia lên bề mặt rồi lại mài nhẵn đi, như thể xói mòn, một hành trình tự thân đã lưu dấu bước đi của thời gian, cũng như ấn ký của các điều kiện vật lý thuộc về không gian tương tác với xáo động trong nội tâm của người nghệ sĩ. Với Phi Phi Oanh, quy trình kiến tạo rồi phá hủy liên tục để tiến tới một hình ảnh gói gọn cuối cùng khiến cho vật thể được quan sát và khắc họa dường như hiện diện trong những khoảnh khắc và thời điểm khác nhau. Không phải là cái kiểu bắt chộp được một trạng thái đúng nhất và duy nhất về màu/ tông sắc như trong một bức ảnh, hiện thực sơn mài của Phi Phi Oanh lại tồn tại bởi độ trượt/ sự vuột ra của trải nghiệm liên tục biến đổi trong việc nhìn và thậm chí cả công nghệ để nhìn. Với Oanh, chính tính chất khó kiểm soát của sơn ta là tiềm năng nổi bật nhất của chất liệu này trong lĩnh vực hội họa.
Những dạng thức và hình thái mới của sơn ta được thăm dò ở cả khía cạnh vật lý, thông qua thử nghiệm trên các bề mặt và chất nền sáng tác khác nhau, lẫn khía cạnh biểu tượng, thông qua nới rộng phạm vi diễn giải cũng như đào sâu lý thuyết về mặt vật liệu. Với Phi Phi Oanh, sơn mài, hay nói chính xác hơn là sơn ta, không đơn thuần là một chất liệu tạo hình bất hoạt, mà thay vào đó là một vật liệu ứng biến có khả năng đại diện cho một loạt các quan hệ địa phương, văn hóa, môi trường và thiên nhiên liên tục vận động và biến đổi.
Tính vật thể đối chiếu với phi vật chất hóa, Thuần hóa với chiếm hữu; Cố gắng hữu hình hóa ký ức bằng hiện thân vật lý, Mối tương quan giữa vi mô và vĩ mô, giữa vỗ về ký ức riêng tư với chất vấn sự vĩ đại của quy mô loài người, “Arca Noa” nhắc nhở chúng ta nhớ về tính hữu hạn của sự tồn tại, dẫu rằng hủy diệt và tái sinh luôn có vòng tuần hoàn tự thân của nó, vẫn có những biến mất khó mà tránh thoát cũng như không thể vãn hồi.
---
Phi Phi Oanh đã thực hiện nhiều triển lãm lớn trong và ngoài nước, tiêu biểu gần đây là “Scry – Thấu” – Manzi Art Space, Hà Nội – 2017; “Pro Se” – National Gallery Singapore – 2017; “Make Shift” và Palimpsest” – FOST Gallery, Gillman Barracks, Singapore – 2017 và 2014; “Specula” – Singapore Biennale – 2013; “Black Box” – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – 2007… Tác phẩm sắp đặt ảo “Từ dưới nhìn lên” của cô tham gia dự án nghệ thuật cộng đồng “Into Thin Air 2” – Manzi Art Space – 2018.
Trưng bày: 11:00 – 19:00 (thứ Ba – Chủ Nhật) từ 24/12/2022 đến hết 05/02/2023
Địa điểm: Không gian trưng bày Manzi Exhibition Space, số 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội
Triển lãm mở cửa tự do cho công chúng