Triển lãm "Dạo bước qua vùng đất của sơn mài" mang tới cho công chúng gần 30 tác phẩm sơn mài tiêu biểu của 10 họa sĩ, những cái tên không còn xa lạ trong giới mỹ thuật như: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My.
Theo Vân Vi, giám tuyển của triển lãm: “Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp. Và chúng tôi dành toàn bộ sự thưởng thức thành quả nghệ thuật của họ, cùng những sự thống nhất cũng như khác biệt cho người xem đánh giá”.
Tranh sơn mài đang được tôn vinh là đặc sản của mỹ thuật Việt Nam. Để tìm hiểu về lĩnh vực tranh sơn mài ấy một cách nhẹ nhàng cũng như cách chúng ta thư thả đi bộ, vừa thưởng thức và vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển chung của nó, lần này triển lãm “Dạo bước qua thế giới của sơn mài” được ra mắt công chúng.
Tranh sơn mài vốn là “bảo vật”, là đặc sản của mỹ thuật Việt. Để tìm hiểu về lĩnh vực tranh sơn mài một cách nhẹ nhàng cũng như cách chúng ta thư thả đi bộ, vừa thưởng thức và vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển chung của nó. Sơn ta đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, nhưng chỉ kể từ khi có trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925 các họa sĩ mới bắt đầu đưa chất liệu này từ mỹ nghệ vào sáng tác. Bước đầu các họa sĩ Đông Dương thử thách dùng sơn ta vẽ như sơn dầu, theo cách các thầy người Pháp sang đây dạy họ, nhưng không tành công, bởi vậy họ quyết định phải tìm ra một lối đi khác cho sơn mài. Và người được nhắc đến nhiều nhất trong thế hệ đầu tiên là Nguyễn Gia Trí – tranh của ông thiên về biểu hiện, cũng có tính trang trí nhưng chìm đi dưới bóng của tác phẩm hội họa. Dưới sự ảnh hưởng của người hiệu trưởng thứ hai của trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương là ông Evarite Jonchere, các họa sĩ sơn mài thế hệ thứ hai là Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Trù, Phạm Hậu… nghệ thuật của các ông thiên về lối trang trí, để tận dụng những thế mạnh của mỹ nghệ truyền thống Việt Nam. Thế hệ thứ 3 được cho rằng đã thay đổi quan niệm về sáng tác trên sơn mài là họa sĩ Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là thế hệ thứ 4 của sơn mài đang thực hiện những điều gì? Và cái đang tiếp diễn có thể sẽ đóng vai trò như thế nào? Các nhà giám tuyển không mong sẽ trả lời được câu hỏi ấy, mà muốn đặt cây hỏi thành một vấn đề qua việc trưng bày tranh của các “môn phái” sơn mài miền Bắc. Khi dạo bước ta không thấy hết chi tiết, thậm chí cũng chẳng phải là toàn cảnh nhưng ít nhất ta có đủ tĩnh lặng để nhìn nhận. Vì thế triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” có thể sẽ thiếu tên của một số họa sĩ quan trọng, đó là nhiệm vụ xa hơn của các nhà nghiên cứu nghệ thuật.
1. Họa sĩ Lý Trực Sơn
Lý Trực Sơn – người thành lập nhóm “Sơn ta” có sự tham gia và ủng hộ của hầu hết các họa sỹ theo đuổi sơn mài chuyên nghiệp tại miền Bắc. Họa sỹ có ảnh hưởng lớn tới Nghệ thuật sơn mài Việt Nam đương thời.
“Người ta nói rằng tôi vẽ rất tự do nhưng tôi thực ra tôi làm việc trong một kỷ luật thép. Mỗi bức tôi đều vẽ với sự kính cẩn, thậm chí vẽ đi vẽ lại nhiều lần, thậm chí trên chính nó. Để tạo ra được một hiệu quả nghệ thuật mà mình mong muốn, có lẽ tôi đã vô cùng nỗ lực, có lẽ đối với tôi nó khó hơn là công phu. Tôi luôn biết rằng mình chưa đi được đến nơi mình mong muốn nhưng nơi tôi mong muốn luôn ở phía trước tôi…” – Lý Trực Sơn.
Lý Trực Sơn học cùng lớp với Nguyễn Thành Chương, Lò An Quang, Đoàn Văn Nguyên, Đào Minh Tri, Hoàng Đức Toàn. Thành Chương là người bạn thân thiết với Lý Trực Sơn, cũng là người sớm am hiểu về nghệ thuật tạo hình, gần gũi với những họa sỹ sau này trở thành gạo cội của nước nhà như Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Hải, Lê Trọng Lân. Hai người đã cùng nhau chia sẻ niềm yêu thích nghệ thuật, và được tiếp xúc với những vấn đề liên quan đến hội họa vượt qua sự hiểu biết của những đứa trẻ học sơ cấp rất nhiều.
Năm 14 tuổi khả năng vẽ hình họa hàn lâm của Lý Trực Sơn đã được họa sỹ Lê Thiệp đánh giá rất cao. Họa sỹ Lê Thiệp có nhận xét rằng: “Bài của Sơn không nằm trong trình độ của lớp này”. Năm 1969, tốt nghiệp hệ Trung cấp, bài thi của Lý Trực Sơn là một bài gây tranh cãi trong hội đồng, nhưng cuối cùng bài thi đã được đánh giá cao đến mức ông Trần Đình Thọ lúc đấy là hiệu trưởng trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam đã quyết định đưa Sơn vào trở thành giáo viên dạy chính thức trong trường vào năm ông tròn 20 tuổi.
Năm 2009, triển lãm sơn mài “Chốn này” là triển lãm cá nhân của Lý Trực Sơn. Ông nói “Đây là xứ sở của tôi. Tôi muốn nói về cái xứ sở này, cái Đông Phương này, mà không mượn các chi tiết thơ mộng của Đông Dương”.
Năm 2011, triển lãm các tác phẩm “Ballad biển đông” và “Không vô can” của Lý Trực Sơn và điêu khắc gia Đào Châu Hải. Triển lãm này đánh dấu con đường của cả hai nghệ sỹ. Ông Sơn kể rằng sau triển lãm này mình cạn kiệt, và lại bắt đầu một hành trình đi tìm kiếm cái mới.
Năm, 2013, họa sĩ Lý Trực Sơn chuyển hẳn sang vẽ sơn mài trừu tượng. Ông mong muốn thoát ra khỏi quan niệm cũ về sơn mài, từ chối vàng bạc, từ chối các tone màu cổ điển, từ chối những lợi thế “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” của sơn mài. Ông nghiên cứu sâu đậm về tông xanh, nên chúng ta có thể thấy tông màu này trên nhiều tác phẩm của ông. Tranh Lý Trực Sơn thời kỳ này sử dụng các biểu tượng ký hiệu, và những đường hình mà ông đã nghiên cứu rất sâu trong quá trình nghiên cứu gốm cổ Lý Trần.
Năm 2014 Lý Trực Sơn nghiên cứu chất liệu tự nhiên làm các màu tranh đất đá gạch… liên quan các chất liệu tự nhiên, phối hợp nhiều chất liệu.
Năm 2023 – Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng 9 họa sỹ đang theo đuổi sơn mài đương thời, do Vân Vi làm giám tuyển và The Muse Artspace tổ chức
Có thể nói sơn mài của Lý Trực Sơn lấy cơ sở từ gốm Lý Trần và giấy dó, lấy tinh thần và nét vẽ trên gốm, nhưng hoàn toàn theo xu hướng hiện đại.
Bộ ba tác phẩm "Ngân hà" của họa sĩ Lý Trực Sơn
2. Họa sĩ Nguyễn Quang Trung
Nguyễn Quang Trung (1963) có 4 lần là thủ khoa trong suốt các kỳ thi đầu vào và đầu ra của các trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam và Đại học mỹ thuật Việt Nam. Ông theo đuổi nghệ thuật trừu tượng trong vòng 20 năm vừa qua, một số sáng tác được lựa chọn trên chất liệu sơn mài.
Họa sĩ Nguyễn Quang Trung cho biết, trong 20 năm theo đuổi nghệ thuật trừu tượng, họa sĩ cảm thấy sáng tác trên chất liệu sơn mài và sơn dầu có sự khác biệt. Họa sĩ cho biết, sơn dầu cần vẽ nhiều lớp và sử dụng kỹ thuật vẽ sơn dầu, thì ưu điểm là các nét bút có thể khối, đậm - nhạt, dày - mỏng, trong - đục tạo nên các hiệu ứng khác nhau; nhưng sơn mài có cái lạ là những cái ấy nó mặc nhiên có, và vì thế họa sĩ phải tìm cách thử thách mình nhiều hơn trên sơn mài.
Nguyễn Quang Trung là một họa sỹ nghiên cứu sâu về nghệ thuật trừu tượng. Ông cũng đưa chất liệu sơn mài vào như một phương tiện dành cho các sáng tác của mình. Với ông sơn mài cũng như các chất liệu khác, cốt yếu là để biểu đạt hiệu quả nghệ thuật. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cách làm sơn mài của danh họa Nguyễn Sáng, và cũng kế thừa một số kỹ thuật này.
Giai đoạn 1976- 1981 Nguyễn Quang Trung theo học hệ Trung cấp Mỹ thuật thuộc Trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam đạt thủ khoa đầu ra năm 1981. Những họa sĩ Phạm Thanh Liêm, Lê Anh Vân, Nguyễn Văn Chư và Lý Trực Sơn là những người thầy dạy hình họa, cô Lê Kim Mỹ dạy trang trí, bố cục... cho ông.
Giai đoạn 1981 -1986 Nguyễn Quang Trung tiếp tục theo học tại trường Đại học mỹ thuật Việt Nam, là thủ khoa đầu vào 1981 và thủ khoa đầu ra 1986. Sau khi lựa chọn học Chuyên khoa Sơn mài, ông đã được thầy Lý Trực Sơn trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy về chất liệu. Mặc dù kém tuổi (kém hơn 13 tuổi) giữa ông và họa sỹ Lý Trực Sơn luôn duy trì một tình cảm thầy trò thân thiết và tôn trọng nhau về tài năng.
Trong các nghiên cứu, ghi chép ký họa của Nguyễn Quang Trung, ông luôn quan tâm đến sự giản lược, bút lực và những khoảng trắng… Raoul Dufy là một danh họa mà ông hâm mộ, với bảng màu nhẹ, trong trẻo và nhiều ánh sáng. Nguyễn Quang Trung thích Raoul trong cách vẽ các chuyển động, phát triển và kế thừa từ các bậc thầy hội họa ấn tượng như Renoir, Monet.
Sau khi ra trường, ông đã bắt đầu say mê nghiên cứu, trải nghiệm nghệ thuật trừu tượng. Câu hỏi theo đuổi Nguyễn Quang Trung là “Liệu những khám phá của tôi về ngôn ngữ và chất liệu hội họa có đạt được hiệu quả trong biểu đạt cái nhìn của bản thân về hiện thể hay không”. Và ông cũng nói “Quá trình ghi chép ký họa của tôi thực chất là để giải quyết sự băn khoăn ấy”.
Năm 1989, bức tranh “Bà cháu” (sơn dầu, 0,6m x 0,8m) sáng tác năm 1986 của ông đã được chọn tham gia Triển lãm họa sỹ trẻ các nước Xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô cũ.
Năm 2020, triển lãm “Trở lại” – Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; trưng bày một số tác phẩm bằng chất liệu Sơm mài và Sơn dầu trong 20 năm sáng tác của Nguyễn Quang Trung.
Năm 2023, triển lãm “Dạo bước qua Vùng đất của sơn mài”, do The Muse Artspace tổ chức, Vân Vi làm giám tuyển – Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Quang Trung trong triển lãm lần này
3. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng
Phan Cẩm Thượng (1957) là họa sỹ, đồng thời cũng được công nhận là nhà văn hóa có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam trong vòng 20 năm vừa qua. Ông là tác giả của 18 cuốn sách nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật trong đó có những cuốn sách đã được đưa vào giảng dạy tại Đại học văn hóa Hà Nội. Có thể nói ông Thượng xuất hiện trong triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” như một đại diện cho việc kế thừa lối sơn thếp cổ, đưa vào trong các sáng tác nghệ thuật trên sơn mài.
Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Nhà ông ở phố Lý Quốc Sư, tuổi thơ trôi qua trong nhọc nhằn, những câu chuyện này tôi đã từng được ông chia sẻ. Phan Cẩm Thượng lớn lên trong môi trường ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Nho giáo qua mỗi lần đọc sách hay ngâm thơ.
Ông giỏi tiếng Hán và có thể đọc Kinh Phật bằng chữ Hán. Đồng thời, ông rất ham tìm hiểu giáo lý, triết học phương Đông. Năm lên 9 tuổi, như duyên tiền định, ông được dạy vẽ bởi họa sĩ Vũ Đăng Bốn thuộc Trường Mỹ thuật Cao đẳng Đông Dương. Năm 14 tuổi, sau khi cha mẹ chia tay, gia đình kinh tế gặp nhiều khó khăn, ông trải qua những ngày tháng đói khổ và phải tự lo mọi thứ cho mình.
Những sáng tác cũ nhất trên sơn mài của Phan Cẩm Thượng có từ những năm 1995-1996. Ông bắt đầu từ việc tìm hiểu các nghệ nhân sơn mài Phú Xuyên. Ông Thượng dành 11 năm của đời mình sống và nghiên cứu tại chùa Bút Tháp- công trình kiến trúc biểu đạt giá trị văn hóa, lưu giữ những nhóm tượng cổ được công nhận là bảo vật quốc gia. Ông cũng là người trực tiếp phụ trách dự án phục chế những bức tượng cổ làm bằng sơn mài có niên đại từ thế kỷ 17 tại chùa Bút Tháp. Điều này có lẽ cũng góp phần tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm của ông.
“Tôi làm sơn mài theo lối người ta làm tượng Phật cổ. Lối này có các tiêu chí rõ ràng như khối phải đầy, mầu phải no, đạt đến độ “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” mới chịu thôi. Sơn ta kiểu cũ thì lâu khô nhưng cho hiệu quả trong như nước. Nhưng cuối cùng thì nên hiểu rằng sơn mài là lối vẽ, chứ không phải là vật liệu, vật liệu thì không nói lên điều gì cả.”- Phan Cẩm Thượng.
Bức vẽ đầu tiên với ông Thượng, thì khó nhớ. Bởi vốn là trẻ con, ai cũng vẽ và vẽ rất nhiều. Nếu tạm gọi là bức đầu tiên, đó là bức vẽ “Nhà thờ Lớn Hà Nội”, nơi gắn bó với tuổi thơ của ông. Phan Cẩm Thượng vẽ bức tranh đó bằng sơn dầu đen trắng, được đóng khung và treo ở phòng tài vụ đơn vị bộ đội, khi ông còn đang trong quân ngũ.
Đến năm 1973 cơ bản ông Thượng đã vẽ xong lối thủy mặc và thư pháp, đồng thời, ông cũng nhận ra đó là lối vẽ của người Trung Hoa, nên muốn thay đổi, nhưng chưa biết là nên thế nào. “Sau đó đi bộ đội, tôi còn kịp mang theo vài trang giới thiệu họa sĩ của bảo tàng Nga, trong họa báo Liên Xô. Về chặng đường hình thành lên phong cách hội họa cùng những dấu mốc đáng nhớ của ông về hội họa, Phan Cẩm Thượng kể: “Quá trình sáng tác của tôi gắn liền với nghiên cứu nhiều hơn là cảm hứng thuần túy, cũng phần nào để kiếm sống. Tôi từng đi vẽ tranh kính ở phố Hàng Quạt, Lương Văn Can, vẽ gốm ở xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, hợp tác xã Hợp Thành như một thợ vẽ. Chính những việc này cũng cần tay nghề nhất định và sự vất vả cho mình hiểu cuộc sống hơn. Trước năm 1993, tôi thường vẽ lối tranh thủy mặc, nhưng cũng chỉ vẽ người và hoa sen.
Từ 1993 đến nay tôi hầu như chỉ vẽ người, với những bối cảnh dày đặc như điêu khắc đình làng, như hội lễ. Năm 1996, có làm triển lãm cá nhân đầu tiên ở Gallery Sông Hồng, phố Nguyễn Du, Hà Nội. Năm 1998, 1999 có làm triển lãm tranh khắc gỗ và lụa ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Từ năm 1999, tôi về chùa Bút Tháp sống và nghiên cứu đến tận năm 2012, rồi chuyển lên Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình từ 2012 - 2015. Mỗi chặng là mỗi cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật và văn hóa, đồng thời cũng vẽ nhiều tranh giấy, tranh khắc gỗ, tranh sơn mài...”.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, ông tự học vẽ thủy mặc và thư pháp từ nhỏ, sau đó làm thợ vẽ ở nhiều nơi để kiếm sống, rồi bắt đầu vẽ giấy dó, làm tranh in khắc gỗ, tranh lụa, tranh sơn mài: “Thực ra mỗi thứ một chút để biết tất các kỹ thuật hội họa, phục vụ cho việc phê bình, sao cho hiểu họa sĩ hơn, rồi từ đó thấy mê vẽ cho mình hơn. Tôi không có nhiều phẩm chất nghệ sĩ, nhưng làm gì thì kiên trì, công phu. Tôi không ưa lý thuyết lắm, mà cần kết hợp với thực hành. Có thể nói tôi có thể thực hành tất cả các kỹ thuật tạo hình truyền thống”.
Năm 1995, ông Tham tán văn hóa Đại sứ quán Cộng hòa Pháp ở Hà Nội đến gặp họa sĩ Phan Cẩm Thượng để hỏi chuyện về nghệ thuật Việt Nam. Ông Tham tán thấy tập tranh ở giường, giở ra ngắm. Sau đó ông về và bảo anh Ciryn - người mở Gallery Sông Hồng, đến xem. Anh Ciryn đến mua vài bức của Phan Cẩm Thượng, đề nghị ông đừng bán nữa, để năm sau, 1996, làm triển lãm cá nhân. Triển lãm cá nhân của Phan Cẩm Thượng được tổ chức vào tháng 8/1996, và thành công. “Sau triển lãm, mọi người mới biết tôi có sáng tác tranh, ngoài nghiên cứu. Đó cũng là cái mốc chính thức đưa tôi vào hội họa”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng tâm sự.
Qua 20 bức tranh trong triển lãm cá nhân lần này, họa sĩ Phan Cẩm Thượng dùng màu tự nhiên trên giấy dó, với màu của củ nâu, màu hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, điểm xuyết màu xanh lam, xanh ngọc... Ban đầu, ông không có ý nghĩ sẽ làm triển lãm, việc chuẩn bị cho triển lãm lại rất khó nhọc, phức tạp. Tính ông vốn tỉ mỉ cẩn thận, nên lại càng không thể tất cho xong. Cho đến khi có nhóm bạn trẻ, với cách làm mới mẻ, từng được ông dạy kiến thức hội họa, mong muốn đưa các sáng tác mới nhất của ông đến với công chúng 20 bức tranh được trưng bày, một con số quá nhỏ nhoi trong hành trình vẽ không ngừng nghỉ của Phan Cẩm Thượng. Ông vẽ nhiều thể loại, phong phú đề tài, sử dụng nhiều chất liệu khác nhau: giấy dó, trên toan, trên lụa, trên gỗ, trên gốm, trên đá, trên thuyền, thúng, trên mái chèo... Bất kể điều gì bỗng nhiên gặp giữa nhiều khoảnh khắc đời, cũng dễ dàng tạo cho ông cảm hứng.
Cứ như thể, họa sĩ Phan Cẩm Thượng vẽ là cho chính mình, từ tâm trạng, từ tính cách, từ thói quen đến nội tâm. Vẽ tranh để bày tỏ nỗi niềm, vì thế, mỗi nét vẽ trong tranh Phan Cẩm Thượng luôn tràn đầy năng lượng, khi u uẩn, lúc bừng nở ánh sáng, khi mềm mại, lúc cứng cỏi, khi ảm đạm, lúc rực rỡ muôn sắc màu, khi vướng niềm đau nơi góc tối, lúc hân hoan tràn khắp tình yêu thương từ bi. Có cơ hội là ông vẽ ngay. Ngồi xuống nghỉ ngơi thì lại lấy giấy bút ra hí hoáy kí họa. Nhưng rồi, nhiều người vẫn ưa nhắc đến tranh vẽ trên giấy dó và lụa của ông... “Đã vẽ giấy và lụa nhiều năm thì cái khó là quen tay, chứ không còn phụ thuộc vào vật liệu nữa. Nên cần thay đổi ý tưởng để tìm kỹ thuật mới thể hiện”.
Phan Cẩm Thượng ghi dấu ấn với triển lãm lần này chỉ với 1 tác phẩm duy nhất - "Quan Âm Thị Kính"
4. Họa sĩ Triệu Khắc Tiến
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến Triệu Khắc Tiến – tiến sỹ chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Ông mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu. Ông là đại diện của Việt Nam trong hầu hết các hội thảo về sơn mài quốc tế.
Năm 1977: Triệu Khắc Tiến sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha của ông là nghệ sỹ ưu tú Triệu Khắc Lễ, từng là hiệu trưởng của trường Cao đẳng sư phạm nhạc họa Trung Ương, tiền thân của trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung Ương ngày nay. Sớm phát hiện Tiến có năng khiếu hội họa, ông Lễ bắt đầu dạy cho Tiến vẽ từ những năm Tiến mới lên 4 tuổi.
Năm 1981: 4 tuổi, một trong các bức tranh của ông đã được sưu tập bởi Viện bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.
Năm 1984: 7 tuổi, bức tranh đầu tiên gửi đi triển lãm thiếu nhi quốc tế “Để mãi mãi màu xanh” do bộ văn hóa tổ chức tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đoạt cùng lúc huy chương vàng và giải đặc biệt. Ông Tiến tiếp tục đoạt huy chương vàng của triển lãm này vào năm 1986
Giai đoạn 1986-1988: 9 tuổi, Triệu Khắc Tiến nằm trong đội tuyển năng khiếu mỹ thuật thủ đô của Cung thiếu nhi Hà Nội. Đội tuyển năng khiếu có khoảng từ 5-15 người, và tranh gửi đi các triển lãm quốc gia và quốc tế. Lúc đó Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội lần đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhận cho một thiếu nhi và đó cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của Triệu Khắc Tiến.
Năm 1987: 10 tuổi, Triệu Khắc Tiến tham gia trại hè thiếu nhi quốc tế tại Mông Cổ. Trong thời gian trại hè, học viên tham gia vẽ tranh trên mặt đất và Tiến tiếp tục nhận 2 huy chương vàng quốc tế cho những bức tranh của mình.
Năm 1988: 11 tuổi, ông đoạt Huy chương bạc của Cuộc thi Hội họa Trẻ em Quốc tế Shankar. Một cuộc thi giải thưởng của tổng thống Ấn Độ.
Năm 1994: Triệu Khắc Tiến thi đỗ vào trường Đại học mỹ thuật Hà Nội, khoa hội họa khóa K38. Lúc đó thi vào trường mỹ thuật rất khó, trường chỉ tuyển có 25 sinh viên mỹ thuật, dù có thời điểm người ứng tuyển lên đến 800-1000 người.
Năm 1997: Thân sinh ông Tiến – họa sỹ Triệu Khắc Lễ triển lãm sơn mài. Có nhiều họa sỹ và nghệ nhân thường lui tới xưởng ông Lễ trong thời gian này. Triệu Khắc Tiến xin đến xưởng của các họa sỹ này để tự xin học thêm. Cũng chính vì sự chủ động tìm tòi này, Triệu Khắc Tiến đã không ngừng nghiên cứu chất liệu sơn mài kể từ lúc đó.
Trường mỹ thuật vào những năm này không có chuyên khoa sơn mài, vì vậy người học không nắm được toàn bộ quy trình làm sơn mài từ các kiến thức nền như làm vóc, đánh sơn…là một trong những yếu tố tạo nên sự hiểu biết sâu đối với kỹ thuật sơn mài.
Năm 1999: Bức tranh sơn mài “Phiên chợ vùng cao” của Triệu Khắc Tiến đoạt giải nhất triển lãm sinh viên do trường Đại học mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Năm 2000: Ông Tiến được giữ lại trường làm giảng viên khoa Hội Họa. Ông vừa làm giảng viên, vừa nghiên cứu sáng tác, chủ yếu tìm hiểu về các phương pháp tạo chất mới cho sơn mài, và nghiên cứu sâu về các hòa sắc lạnh, vốn không phải là thế mạnh của sơn mài truyền thống Việt Nam. Nhu cầu khám phá nhiều hơn thúc đẩy họa sỹ tiếp tục học lên cao học tài trường.
Năm 2000 trường mỹ thuật Việt Nam cử Triệu Khắc Tiến sang tham dự Triển lãm giao lưu mỹ thuật đương đại Việt Nam- Thái Lan và Nhật Bản tổ chức tại thành phố Funabashi – Nhật Bản. Đó là lần đầu tiên ông tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài Nhật Bản, và chứng kiến một hệ thống sơn mài được trình bày bài bản về mặt kỹ thuật, cách người Nhật bảo tồn phát triển học thuật trên lĩnh vực sơn mài qua các thời kỳ lịch sử. Điều này có tác động lớn lên họa sỹ vào 10 năm sau, Triệu Khắc Tiến quay lại Nhật và tìm kiếm thông tin cho khóa học tiến sỹ của mình.
Giai đoạn 2004-2007: Tiến học cao học mỹ thuật tạo hình, chuyên nghành hội họa tại trường mỹ thuật Việt Nam. Thời gian này Triệu Khắc Tiến tiếp tục nghiên cứu sâu trên chất liệu sơn mài.
Giai đoạn 2008-2010: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản mời Triệu Khắc Tiến dưới tư cách là chuyên gia về nghệ thuật.
Đây là lần thứ 2 ông Tiến sang Nhật và tìm kiếm thông tin về khóa học tiến sỹ, do nhu cầu mong muốn đào sâu về nghề và tìm hiểu hệ thống kỹ thuật và thủ pháp thể hiện của sơn mài trên thế giới (bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc).
Tại thời điểm đó, Việt Nam chưa hề có tiến sỹ mỹ thuật về thực hành, và Triệu Khắc Tiến sau này là người đầu tiên.
Năm 2011: Một trong những người có ảnh hưởng đến Triệu Khắc Tiến là giáo sư Arisumi MITAMURA. Ông này là giáo sư trưởng khoa sơn mài tại Đại học nghệ thuật Tokyo (Geidai) – một trường đầu bảng về đào tạo nghệ thuật tại Nhật Bản. Đây là một họa sỹ kế thừa đời thứ 10 của một hệ phái sơn mài dòng Mackie từ thời Edo. Mỗi một thế hệ sơn mài kế tiếp trong dòng họ này đều phát triển sơn mài trong việc nghiên cứu mở rộng biên độ chất liệu theo một hướng mới.
Giáo sư Mitamura nhân một lần đi điền dã tại 30 trường nghệ thuật hàng đầu châu Á, mời các đại diện tiêu biểu của các trường này tham gia triển lãm Geidai Arts Summit 2012 nhân kỷ niệm 125 năm ngày thành lập trường Geidai, đã trực tiếp gặp gỡ Triệu Khắc Tiến tại Việt Nam. Sau này ông Mitamura là người tiến cử họa sỹ Triệu Khắc Tiến học tiến sỹ tại Geidai. Điều đặc biệt là tại trường mỹ thuật đứng đầu Nhật bản này, họa sỹ chỉ có thể học tiến sỹ thông qua việc được tiến cử. Ông cũng là người trực tiếp truyền dạy cho 3 người học trò, trong đó có Triệu Khắc Tiến.
Giai đoạn 2013-2017: Triệu Khắc Tiến làm nghiên cứu sinh và học lên tiến sỹ mỹ thuật tại Đại học nghệ thuật Tokyo (Geidai) theo chương trình học bổng 911 của chính phủ Việt Nam.
Năm 2017: Triệu Khắc Tiến trở về nước và cùng các đồng nghiệp, cộng tác với họa sỹ Nguyễn Đình Bảng – chuyên gia về sơn ta, bắt đầu xây dựng hệ thống kỹ thuật cơ bản và nâng cao của chuyên nghành tranh sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
Ông Tiến cùng với các học trò ruột của mình – hoạ sĩ Nguyễn Hữu Thông, Vũ Văn Tịch và Nguyễn Thuý Nguyệt… tiếp tục cải tiến và nghiên cứu các kỹ thuật tạo chất và thủ pháp thể hiện mới cho tranh sơn mài.
Năm 2022: Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản (The Japan Foundation) - một quỹ đã từng mời rất nhiều nghệ sỹ nổi danh trên thế giới, tổ chức triển lãm cá nhân giới thiệu họa sỹ Triệu Khắc Tiến mang tên “Câu chuyện phương đông” cùng các bức tranh sáng tác trên chất liệu sơn ta tại trung tâm này.
Năm 2023: Triệu Khắc Tiến xây dựng chương trình cao học theo định hướng chuyên ngành cho trường Đại học mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, ông cũng vẫn dành phần lớn thời gian của mình để tiếp tục thực hành nghệ thuật trên các sáng tác mới.
5. Họa sĩ Vũ Văn Tịch
1989: Vũ Văn Tịch sinh ra ở Ninh Bình, trong một ngôi làng nhỏ bình yên nằm giữa hai con sông. Bố mẹ Tịch là những người theo đạo thiên Chúa và rất sùng đạo. Năm 5 tuổi Tịch bắt đầu học giáo lý đạo Thiên Chúa. Đến 18 tuổi Tịch bắt đầu học giáo lý hôn nhân và hoàn thành quá trình học đạo của một người công giáo. Tịch sống tôn trọng nghĩa vụ với gia đình, và lắng nghe ý kiến của những người xung quanh. Với Tịch đạo là tín ngưỡng, và rèn luyện tính kiên trì thông qua việc học đạo.
Năm 2007: Tịch thích vẽ từ nhỏ, nhưng trong gia đình không có ai học mỹ thuật. Tình cờ trong làng Đồng Chưa lúc ấy, có một người sinh viên học vẽ nhìn thấy những bức họa của Tịch và khuyên Tịch đi học mỹ thuật.
Năm 2008: Gia đình của Tịch làm trong ngành xây dựng và chỉ ủng hộ Tịch khi anh quyết định học thiết kế nội thất. Năm 2008 Văn Tịch thi vào Trường dai học mỹ thuật công nghiệp nhưng không đỗ. Tịch vẫn tiếp tục học vẽ trong thời gian này, anh nhận ra mình muốn quyết tâm theo đuổi mỹ thuật
Năm 2009: Năm 2009 anh thi vào trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, học đến hết năm thứ 2 anh nhận thấy học sư phạm sẽ đưa anh đến gần hơn với việc làm nghề giáo dục thay vì trở thành họa sỹ. Anh quyết định nghỉ học, để luyện thi sang trường trường đại học mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2011: Văn Tịch thi vào trường đại học mỹ thuật Việt Nam và đã đỗ vào chuyên ngành hội họa ngay lần thi đầu tiên. Hai năm đầu tiên Tịch chỉ chuyên tâm vẽ hình họa và nghiên cứu. Đến năm thứ 3 khi trường học chất liệu sáng tác, Tịch đã ngay lập tức hòa hợp với sơn mài và chuyển hẳn sang nghiên cứu chất liệu sơn mài.
2014-2019: Bước ngoặt đầu tiên trong quá trình đi theo sơn mài của Văn Tịch là gặp gỡ với người thầy Triệu Khắc Tiến – ông là tiến sỹ chuyên nghành sơn mài tại đại học Tokyo Nhật Bản. Cùng với Tịch và một số người học trò, họ đã tìm cách để nghiên cứu, hiểu sâu hơn về các kỹ thuật sơn mài Việt Nam. Mỗi người thầy và trò sau này đều phát triển các kỹ thuật theo những hướng riêng. Văn Tịch cũng tự mình luôn luôn tìm hiểu, để ứng dụng những vật liệu mới vào trong tranh của mình. Các kỹ thuật sơn mài cơ bản không nhiều, nhưng để phát triển các kỹ thuật lên đến hàng nghìn ứng dụng khác nhau, phù hợp với tư duy và phong cách tạo hình của mỗi họa sỹ, đó là một phần của việc phát triển tranh sơn mài Việt trên con đường nghệ thuật.
2017-2018: Series “Tuổi thơ tôi” bao gồm 8 bức tranh vẽ chủ đề về cá. Đây cũng là series tranh đầu tiên đánh dấu sự nghiệp sáng tác của họa sỹ Văn Tịch. Series này được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Thủ Đô năm 2018 mặc dù chưa được công chúng biết đến nhiều, nhưng bước đầu có được sự công nhận của những đồng nghiệp cùng giới, bởi những nét vẽ tinh trên sơn mài, thử nghiệm thành công các kỹ thuật tạo chất, và thể hiện được tinh thần nghệ thuật.
2016-2019: Series “Hoa đêm” bao gồm 12 bức. Tác phẩm “Hoa đêm” đã được chọn để trưng bày tại Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc, do Hội mỹ thuật tổ chức. Bức tranh cuối cùng của series Hoa đêm mang tên “Bình yên” là một tác phẩm được chú ý nhất của Văn Tịch.
Năm 2019: Cùng với quyết định quan trọng trong đời là kết hôn, Tịch rời khỏi xưởng họa của thầy Tiến và chuyên tâm phát triển những lối tạo hình của riêng mình, đi theo những mạch xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Năm 2019-2022: Series “Trong Vườn” bao gồm 30 bức tranh sơn mài, là kết quả của 3 năm làm việc nghiêm túc của họa sỹ Vũ Văn Tịch. Tại series này Tịch nói rằng” trước đó tôi vẫn bị chi phối bởi chất liệu, sự thể hiện phải phụ thuộc vào chất liệu. Trong series này tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái và tự tin điều khiển các chất liệu đó trong sáng tác của mình.
6. Họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Nguyệt
Họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Nguyệt sinh năm 1989 tại Phú Thọ, Việt Nam. Năm 2015, cô tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật, ngành Hội hoạ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tiếp đó Nguyệt mở rộng liên ngành với thời trang, theo học tại Học viện Thời trang Paris trong ba năm từ 2016 - 2019. Cô hoàn thành thạc sĩ Mỹ thuật, ngành Hội hoạ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2022. Họa sĩ theo đuổi chất liệu Sơn mài và Lụa.
Các hoạt động nghệ thuật từ năm 2010:
Năm 2010: Giải 3 cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động 85 năm thành lập trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam”.
Năm 2012: Tham gia triển lãm “Sinh viên làm nghệ thuật” E.A.T
Tặng thưởng tác phẩm: Video sắp đặt “ Bến”
Năm 2013: Bằng khen sinh viên có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào “Học sinh, sinh viên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm theo lời Bác” lần thứ III.
Năm 2014: Tham gia chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật các nước Châu Á Thái Bình Dương “JENESYS 2.0” tại Nhật Bản. Đạt giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2015: Huy Chương Vàng tác phẩm “Dạo khúc” chất liệu Sơn mài tại Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường Văn hóa Nghệ Thuật, Thể dục thể thao và du lịch lần thứ II tại Huế và tham gia Festival Mỹ thuật trẻ
Năm 2022:Tham gia dự án “Hồn nhiên như cô Tiên” tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm và tham gia triển lãm “SEN ĐẦU HẠ” chào mừng Đại hội đại biểu Phật Giáo toàn quốc lần thứ IX
- Tham gia triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
2023 - Tham gia triển lãm “Những người làm vườn” do Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom cùng CLB Nghệ sĩ trẻ phối hợp tổ chức
Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thị Thúy Nguyệt gây ấn tượng với công chúng tại triển lãm lần này
7. Họa sĩ Nguyễn Thị Quế
Họa sĩ Nguyễn Thị Quế có 50 năm theo đuổi sáng tác trên chất liệu sơn mài, dù có những lúc bổn phận của người phụ nữ trong gia đình và bối cảnh kinh tế khó khăn khiến chị phải dừng lại. Các bức tranh của chị chủ yếu sáng tác trong hai chủ đề: cuộc sống của người dân tộc thiểu số và tĩnh vật.
Họa sĩ Nguyễn Thị Quế sinh năm 1952. Chị bắt đầu học mỹ thuật ngay từ hồi còn nhỏ, kéo dài từ hệ sơ trung cấp của trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam cho đến Đại học mỹ thuật Việt Nam, 12 năm theo học mỹ thuật trước khi trở thành họa sỹ.
Năm 1972: Nguyễn Thị Quế đã chọn cho mình chất liệu sơn mài. Như vậy đến năm 2023 chị có đã thời gian 50 năm theo đuổi chất liệu sơn mài, dù có những lúc bổn phận của người phụ nữ trong gia đình và bối cảnh kinh tế khó khăn khiến chị phải dừng lại. Giai đoạn 1978-1982: Nguyễn Thị Quế là giáo viên mỹ thuật, trường nghệ thuật Tây Bắc, phố Chăm, tỉnh Hòa Bình. Đó là thời kỳ chiến tranh Việt – Trung, kinh tế nước ta vô cùng gian khổ. Tại các tỉnh như Hòa Bình, cuộc sống càng túng thiếu, buồn tẻ, giáo viên mỹ thuật đi từ Hà Nội, phải đi từ sáng tới chiều mới tới nơi. Theo chị Quế, chính những cái khổ này lại khiến thầy trò trường mỹ thuật gần gũi với nhau nhiều hơn, chị kể rằng mình đã sống trong một môi trường nhiều tình cảm. Họa sỹ Lý Trực Sơn – một đồng môn trong trường mỹ thuật từ sơ trung cấp, có thể nói là một người bạn “Thanh mai trúc mã’ của chị, thường xuyên lên thăm, sau này hai người kết hôn với nhau năm 1979.
Thời kỳ này chị Quế chỉ tập trung vẽ chân dung bạn bè, và những người xung quanh.
Năm 1983 Nguyễn Thị Quế bắt đầu làm việc cho phân xưởng đồ họa của Công ty mỹ thuật Quốc Gia. 9 năm chồng chị là họa sỹ Lý Trực Sơn sang Pháp theo đuổi nghệ thuật, chị Nguyễn Thị Quế tập trung cho gia đình và con cái trong bối cảnh kinh tế đất nước trước thời kỳ đổi mới vẫn còn vô cùng khó khăn. Chị dành rất ít thời gian cho việc vẽ, và cũng không còn theo đuổi được niềm yêu thích là sơn mài như trước, mà chuyển sang vẽ giấy dó, bán đi để kiếm sống cho gia đình. Giai đoạn 1992-1998: Nghệ thuật Việt Nam đạt đến một thời kỳ phát triển rực rỡ. Nguyễn Thị Quế cũng có cơ hội quay trở lại với sơn mài. Hai chủ đề chính mà chị khai thác là tĩnh vật trên sơn mài, và cuộc sống của những người dân tộc.
Tranh của chị đã từng đoạt giải tại Triển lãm mỹ thuật Hà Nội – do Hội mỹ thuật Hà Nội tổ chức.
Năm 2005 Chị bắt đầu chỉ tập trung sáng tác trên chất liệu sơn mài. Cách làm của chị là cách làm sơn mài thuần theo lối truyền thống. Chị dành nhiều công phu trong giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu hình họa bằng chì và ký họa bằng màu thành công, rồi mới bắt đầu bước vào thể hiện.
Năm 2016 Hai bức tranh của chị được mời tham dự tại Triển lãm sơn mài quốc tế Fuzhou International Lacquer Art Biennale- Trung Quốc. Triển lãm này hội tụ các tài năng châu Á trong lĩnh vực sáng tác sơn mài. Việt Nam có một số người được mời tham dự trong đó có Lý Trực Sơn, Nguyễn Thị Quế.
Tranh tĩnh vật trên chất liệu sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thị Quế
8. Họa sĩ Đỗ Thị Kim Đoan
Họa sĩ Đỗ Thị Kim Đoan sinh năm 1958 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội khoá 1977_1982. Cô đến với nghệ thuật trước tiên bằng con đường điêu khắc. Sự chuyển dịch tới hội họa một cách tự nhiên khi cô yêu thích hội họa từ trước đó và bằng sự gặp gỡ với chất liệu sơn truyền thống qua quá trình cùng chồng làm việc với tượng rối nước. Năm 1995 cô bắt đầu vẽ tranh sơn mài, và tìm được “cái thực sự là của mình”.
Từ năm từ 1997, họa sĩ Đỗ Thị Kim Đoan tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm khu vực, triển lãm toàn quốc, triển lãm chuyên đề sơn mài của Hội Mỹ Thuật. Cô đã có 2 lần triển lãm ở Hàn Quốc.
Qua hai thập kỷ làm việc với sơn mài, cô chuyển một số chủ đề và dừng lại lâu nhất với phụ nữ và trẻ em. Phần nhiều là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số với bố cục đơn giản, nhân vật làm trọng tâm. Có thể thấy, tranh sơn mài của Đỗ Thị Kim Đoan giản dị, cảm xúc bền bỉ với thời gian. Cô tự thấy rằng mọi sự chuyển dịch hay chủ đề, thủ pháp mà cô lựa chọn đều đến một cách tự nhiên, để cuối cùng hướng đến một mặt tranh hiền hòa, bình yên thanh thản cho chính tâm hồn nghệ sĩ.
Những góc vườn là đối tượng trong loạt tranh mới của họa sĩ Đỗ Thị Kim Đoan được giới thiệu trong triển lãm này. Tên gọi loạt tranh mới “Góc vườn” của họa sĩ Đỗ Thị Kim Đoan lấy bối cảnh góc vườn nơi những thành viên trong gia đình sum vầy. Cô thường vẽ những những người thân, điều đó góp phần tạo nên tâm thế bình yên trong những “Góc vườn”. Tuy vậy thủ pháp ước lệ trong cách miêu tả nhân vật và chất liệu sơn mài đem đến cho các đối tượng tính khái quát, hòa vào bối cảnh cây lá mang tính trang trí cao cho những góc vườn đầy hư cấu. So với chủ đề quen thuộc của Đỗ Thị Kim Đoan - những thiếu nữ và em bé vùng cao, “Góc vườn” thể hiện sự chuyển đổi theo chiều hướng trữ tình, nhẹ nhàng và bay bổng với trọn khuôn hình nhân vật trong bối cảnh rộng của thiên nhiên.
9. Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục
Dùng ngôn ngữ sơn mài thể hiện những tác phẩm với ý tưởng giản đơn, vô thường nhưng đậm tính triết học như hình ảnh hạt bụi, những vệt sáng nhòa vụt trong không gian… để trong đó, Nguyễn Xuân Lục thấy được bản ngã của chính mình, với đối lập bao la vô tận nơi vũ trụ và cô đơn con người, cùng sự chiêm nghiệm về nghề, về đam mê.
Trưởng thành từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, thuộc Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoa sơn mài từ 2007, quá trình làm nghề và sáng tác đã giúp Nguyễn Xuân Lục rút tỉa được những tinh hoa của làng nghề, vận dụng vào nghệ thuật hội họa sơn mài, với ý niệm nghệ thuật không dừng lại ở thủ công mỹ nghệ. Chất liệu sơn ta hiện hữu từ hàng nghìn năm, chuyển thể thành nghệ thuật sơn mài, việc tìm ngôn ngữ khai thác, là hành trình dài bao thế hệ họa sĩ theo đuổi. Hội họa sơn mài Việt từ khởi điểm (những năm 1930) cho đến hiện đại, biểu đạt theo lối hiện thực là dòng chảy chủ đạo, trong đó tính cụ thể, địa dư, vẫn được nhiều người làm nghề khai thác triệt để. Nguyễn Xuân Lục chọn hướng đi riêng, khéo léo mượn cái tứ vũ trụ tạo lập không gian sáng tác cho riêng mình. Trong không gian ấy, Lục thỏa sức bay bổng với những ngôn ngữ từ chất sơn ta, vỏ trai, ốc, và kỹ thuật dựng hình của người thợ làng nghề… được mã hóa, thể hiện qua hội họa sơn mài trừu tượng.
Quách Ngạn Vĩ – Giám tuyển nghệ thuật tại Cao Hùng, Đài Loan chia sẻ: “Sơn mài Việt có tính triết lý phương đông và biểu hiện phương tây, nguyễn xuân lục là nghệ sĩ trẻ hiếm hoi vận dụng tư tưởng ấy vào sơn mài trừu tượng”. Lựa chọn sáng tác trên nền tảng người thợ, là lợi thế về kỹ thuật thể hiện, nhưng cũng là giới hạn bởi những ràng buộc cố hữu trong tư duy người làm nghề thủ công, vốn dĩ tập trung vào số lượng, sản phẩm, hơn là chất lượng và tác phẩm. Cảm nhận về quá trình hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Xuân Lục, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Lục có lợi thế là thừa hưởng nền tảng từ làng nghề, có đủ điều kiện để phát triển nghề nhưng bạn ấy thực can đảm khi mạo hiểm theo con đường sáng tạo, sử dụng chất liệu tốn kém trong mỹ thuật là sơn mài, phải yêu lắm mới làm được, tôi xem đó là sự đánh cược cuộc đời cho đam mê”.
Nguyễn Xuân Lục hoạt động nghệ thuật rất trầm lặng, anh cần mẫn sáng tác theo mạch đề tài yêu thích, sử dụng kỹ thuật thợ nghề, kết hợp tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ, tạo dựng phong cách lao động bền bỉ, đều đặn, chuyên nghiệp như một thợ nghề thuần túy. Tận dụng những kỹ thuật của sơn mài, hội họa, khảm trai ốc… ứng dụng vào sơn mài trừu tượng, chưa nói đến ý tưởng tác phẩm, ở ngay cách thể hiện, đã thấy ở đó sự kỳ công, tỉ mẩn với nhiều biểu đạt mang độ khó cao.
Theo dõi qua những triển lãm của Lục trong và ngoài nước, có thể thấy rõ thế mạnh về sơn mài, khảm, cẩn, hội họa… với Lục chỉ là ngôn ngữ, là phương tiện, được phối kết nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng, đồng nhất cả về chất và lượng vào bất kể tác phẩm hay sản phẩm. Nghệ sĩ tâm niệm: “thà làm ít, nhưng kỹ, đẹp, tinh, bền, chấp nhận tốn thời gian, công sức và bán với giá tương xứng chứ không có khái niệm rẻ, số lượng nhiều, sản xuất hàng loạt”.
Nguyễn Xuân Lục có một hành trình làm việc dày dặn cả về độ sâu và rộng của nghề. Từ năm 13 tuổi, anh đã theo học khảm trai và làm cho các xưởng khảm trai thủ công trong làng nghề. Anh tiếp tục theo học chuyên ngành sơn mài chính quy để trở thành một họa sĩ sáng tác tranh sơn mài. Với niềm đam mê và ý định kết hợp giữa sơn mài và khảm trai, Nguyễn Xuân Lục sử dụng kỹ thuật khảm trong môi trường làng nghề sơn mài quê hương như một nền tảng vững chắc để từ đó phát triển khía cạnh tự do, tính cá nhân và tư tưởng trong các sáng tác sơn mài của anh. Trước khi triển lãm cá nhân “BỤI” của anh năm 2019, Nguyễn Xuân Lục đã có 17 triển lãm nhóm với tranh sơn mài trong và ngoài nước và được nhiều giải thưởng từ năm 2017 - 2021. Anh tham gia nhiều triển lãm uy tín và đã bước vào những dự án nghệ thuật đương đại. Bằng cách tiếp cận mới và mạnh dạn Nguyễn Xuân Lục đang trên hành trình đầy năng lượng để khám phá bản thân trong nghệ thuật, luôn thay đổi phản tư và có khi là quay trở về với chất liệu, khai phá, tái nhận thức nó trong sự gặp gỡ lần thứ N.
Năm 2022: Triển lãm nhóm Những Ngả Đường Sơn mài, Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
Năm 2021: Triển lãm Mơ Về Miền Đất Lạ, Mơ Art Space, 136 Hàng Trống, HN.
Năm 2020:
- Triển lãm đôi: SƠN & GIẤY tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
- Triển Lãm Mỹ Thuật Toàn Quốc 2020.
Năm 2019:
- Triển lãm Trường Ca tại Cao Hùng, Đài Loan.
- Triển lãm cá nhân BỤI tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam và Jeng Guan galleries, Đài Loan.
Năm 2018:
- Art In The Forest tại Không gian Nghệ thuật Flamingo Đại Lải.
Triển lãm “Hội Họa Sơn Mài” Hội Mỹ Thuật Việt Nam
Năm 2017:
- Festival Mỹ thuật trẻ Việt Nam tại VCCA, Royal City, Hà Nội.
- Triển lãm “ Sơn Lục” tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Năm 2016:
- Triển lãm thường niên CLB nghệ Sĩ Trẻ VN từ 2011 đến 2016.
- Domino Art Fair 2016 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Năm 2015: Triển lãm Vào-Ra CLB Nghệ Sĩ Trẻ tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Năm 2014: Tết Art và Hanoi Art Market tại Hàng Da Galleria.
Năm 2013: Triển lãm nhóm Sơn Ta tại Hà Nội.
Năm 2012: Triển lãm tranh đồ họa ASEAN tại Bảo Tàng Mỹ Thuật VN.
Năm 2011: Triển lãm nhóm tại Bảo Tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh.
-Giải nhất - Giải thưởng Hội Mỹ Thuật Việt Nam 2021.
- Giải C triển lãm khu vực I - Hà Nội, Hội Mỹ Thuật Việt Nam 2020.
Giải thưởng đồng hạng Hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020.Giải 3, Festival Mỹ Thuật Trẻ Việt Nam 2017.
10. Họa sĩ Phạm Trà My
Họa sĩ Phạm Trà My sinh năm 1986 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
▪️Các triển lãm tham gia:
Năm 2023: - Triển lãm nhóm BA tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền – Hà Nội
Năm 2020: - Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020
- Triển lãm khu vực Hội họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam
- Triển lãm Vietnamese Young Artist của CLB trẻ Việt Nam
Năm 2019: - Triển lãm SÁU ĐỘ của dự án Mountain Star tại 29 Hàng Bài – Hà Nội
- Triển lãm Timeless chant tại Cao Hung – Đài Loan
- Triển lãm Blooming tại 62F , Intercontinental Hanoi Landmark 72
Năm 2018: - Triển lãm nhóm Trường Ca tại Hà Nội
- Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc tại 16 Ngô Quyền – Hà Nội
- Triển lãm chuyên đề Sơn mài của Hội Mỹ thuật Việt Nam
- Triển lãm How much is it của CLB nghệ sĩ trẻ tại Hà Nội
Năm 2017: - Triển lãm Hội họa hội Mỹ thuật Việt Nam
Năm 2016: - Triển lãm nhóm Dòng Chảy tại 29 Hàng Bài – Hà Nội
- Triển lãm Today tại số 1 Lương Yên – Hà Nội
- Triển lãm festival Mỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc
Năm 2015: - Triển lãm Chòn-Chòn tại TT Mỹ thuật Đương Đại – Hà Nội và Bảo tàng nghệ thuật Huế
- Triển lãm Hàn Quốc qua con mắt nghệ sĩ Việt Nam tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc – Hà Nội
- Triển lãm chuỗi Vào - Ra của CLB Nghệ sĩ trẻ
- Triển lãm L Y của CLB nghệ sỹ trẻ tại Hà Nội
Phạm Trà My lựa chọn theo đuổi chất liệu Sơn mài truyền thống. Các chủ đề họa sĩ thể hiện mang nhiều tính nữ nhưng toát lên vẻ mãnh liệt của một tính nữ ẩn chứa nhiều điều thầm kín. Trong các bức tranh của mình, họa sĩ đưa nhiều hình tượng cánh bướm, phụ nữ, hoa, cá … Lúc thì vui tươi rực rỡ, phức tạp hay mang tính trang trí cao, khi thì ẩn hiện tiết chế như muốn triệt tiêu cảm xúc. Tranh của Phạm Trà My thể hiện biên độ dao động khá lớn cả về màu, hình, và phong cách nói chung - như cảm xúc của một thiếu nữ. Bên cạnh đó, kỹ thuật sơn mài đa dạng, cách sử dụng hình đồng hiện trong không gian là điểm đáng chú ý trong tranh của Phạm Trà My.
Thông tin triển lãm:
Thời gian: Triển lãm sẽ diễn ra từ 8h30 đến 20 giờ tất cả các ngày trong tuần, đến hết ngày 8/8/2023
Địa điểm: Tầng 1 nhà B – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội