Xem nhiều nhất
BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000
Triển lãm Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống tại Nhà Thái Học của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám tái hiện lại thời kỳ phát triển rực rỡ của dòng tranh bảo vật quốc gia
Triển lãm Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống tại Nhà Thái Học của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám tái hiện lại thời kỳ phát triển rực rỡ của dòng tranh bảo vật quốc gia
Dòng tranh dân gian Hàng Trống là dòng tranh hiếm hoi lưu giữ rõ nét những nét đẹp văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng của người dân Việt Nam qua hình ảnh Ông Ba Mươi, tín ngưỡng thờ Mẫu, cá chép trông trăng… Với nét độc đáo riêng biệt không thể trộn lẫn, tranh dân gian Hàng Trống từ lâu đã in sâu vào tiềm thức người Việt như một cốt cách riêng trong thị hiếu của người Kinh kỳ và là bộ phận không thể tách rời của tranh dân gian Việt Nam. Việc đưa tranh dân gian vào không gian di sản truyền thống đô thị là một dấu ấn đặc biệt trong tiến trình khẳng định sức sống nghệ thuật của dân tộc và bảo tồn dòng tranh bảo vật độc đáo của quốc gia.

Ngày 6/7/2023, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với các nhà sưu tập tranh, nghệ nhân tranh dân gian và nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án Từ truyền thống tới truyền thống tổ chức.

                                                     Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Dự án nhận được sự quan tâm và đầu tư đúng cách của giám tuyển và nghệ sĩ trong nước

Tại triển lãm “Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống” trải qua 3 năm khi dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” được khởi xướng và thực hiện từ năm 2020 tới nay đã diễn ra được rất nhiều các phiên bản tương tác với các không gian trưng bày triển lãm mang nhiều yếu tố di sản truyền thống. Với phiên bản lần đầu tiên được thực hiện và giới thiệu tại Đình Nam Hương 75 Hàng Trống vào năm 2020, rồi tiếp đó tới Dự án “Tranh Hàng Trống” năm 2021, Dự án “Hổ dạo Phố” năm 2022, “Hồn nhiên như cô Tiên” năm 2022 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, “Mơ Tiên” năm 2023 tại Đình Nam Hương, “Đối thoại với Dòng tranh dân gian Hàng Trống” tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ. Lần này dự án lại tiếp tục được chu du tới không gian tiền đường Nhà Thái Học của Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Với rất nhiều các phiên bản mở rộng trong suốt 3 năm nay, thầy trò chúng tôi đã cố gắng khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản dòng tranh dân gian Hàng Trống nói riêng cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc.

Dự án đã mang tới sự khích lệ cho những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trẻ thông qua sự học hỏi nghiên cứu tìm hiểu từ tri thức cho tới các kỹ thuật truyền thống của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Từ những buổi kinh nghiệm học tập và nghiên cứu chia sẻ kỹ thuật và tình yêu nghề của nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho tới những ngôi Đình thông qua mỗi đợt diễn ra các dự án nối tiếp nhau, đã mở ra những ý tưởng sáng tạo mới trong việc sáng tác các tác phẩm tạo hình từ những chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, lụa, giấy dó, sơn dầu… cho tới những chất liệu và hình thức thể hiện mới như đồ họa kỹ thuật số, thiết kế, sắp đặt…

    Những tác phẩm xuất sắc được xếp đặt một cách có chủ ý tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ tới người xem

                               Yếu tố thần tiên và cổ tích được đưa vào tranh rất tự nhiên và sinh động

Những không gian kiến trúc mang đậm yếu tố truyền thống trong mỗi lần tiến hành dự án và trưng bày triển lãm như Đình Nam Hương, Hội Quán Quảng Đông xưa nay như lần này với không gian tiền đường của Nhà Thái Học tại Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng chính là nguồn cảm hứng rất lớn cho các nghệ sĩ và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn trong quá trình sáng tác và trưng bày các tác phẩm tương tác với không gian, hướng các tác phẩm có sự cộng hưởng của yếu tố nơi chốn. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt trong mỗi phiên bản đặc trưng của mỗi dự án, làm gia tăng thêm sức thu hút của nơi chốn trong các dịp trưng bày theo hướng tương tác với không gian và ngữ cảnh.

Đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam

Là dòng tranh dân gian có dấu hiệu bị mai một và thất truyền, nhiều hoạt động khôi phục và bảo tồn đã ra đời nhằm làm sống lại dòng tranh thuộc bảo vật quốc gia này.

Đến với sự kiện triển lãm lần này, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các họa sĩ đã tái hiện lại các đề tài một cách đa dạng: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh lịch sử, tranh sinh hoạt xã hội… Nhờ thế mà dòng tranh này đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân ta và xuất hiện trong đời sống của nhiều tầng lớp xã hội, được treo ở nhiều không gian khác nhau.

Trong khuôn viên của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tranh Hàng Trống càng được thêm tôn vinh thêm vẻ đẹp

Tranh dân gian Hàng Trống là dòng tranh nổi tiếng, mang đậm giá trị thẩm mỹ và nét văn hóa Kinh kỳ của người Hà Nội xưa. Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh này không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam mà còn gây được ấn tượng sâu sắc với công chúng thế giới. Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh Hàng Trống là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Về sau thì dòng tranh này trở nên thịnh hành đến mức được bày bán ở khắp các khu vực phố cổ Hà Nội như Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống. Với hai dòng chính là tranh thờ và tranh Tết.

               

Sở dĩ gọi là tranh Hàng Trống vì nó có nguồn gốc từ phố Hàng Nón, Hàng Trống của mảnh đất kinh thành Thăng Long xưa. Hàng Trống xưa kia thuộc vùng đất cũ của thôn Tự Tháp, huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Trống nằm liền kề các con phố như Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt… là nơi chuyên sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ và đồ thờ như: tranh thờ, trống, quạt, lọng, cờ… Dòng tranh Hàng Trống chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của các vùng miền; là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo, Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày.

                 Đề tài sinh hoạt trong đời sống trở thành yếu tố chủ đạo được đưa vào tranh Hàng Trống

                                                                      Tác phẩm "Múa lân"

Tranh Hàng Trống có hai dòng chính là tranh thờ và tranh Tết. Tuy vậy chủ yếu số lượng là tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền phủ của Đạo giáo, nhất là tranh thờ của Đạo Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giầy, Nam Định), như tranh Tứ Phủ Công Đồng, Bà Chúa Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Ngũ Hổ, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi ngựa, cưỡi rắn, ông Hoàng Mười, Bà Chúa Ba, Đức Thánh Trần… Các bộ Tứ bình, Nhị bình như Tứ dân (ngư, điều, canh, mục), Tứ quý (xuân, hạ, thu, đông), cùng các tích truyện Nhị Độ Mai, Thạch Sanh, Kim Vân Kiều, Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng), Chim công múa có tính cầu phúc, thái bình. Thêm vào là những bức về đề tài dân dã như cảnh “Chợ quê” hay “Canh nông chi đồ”. Tranh Tết thì có chúc phúc, tứ quý…

             

Chủ đề thờ cúng, tín ngưỡng tâm linh, Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo được kết hợp hài hòa trong tranh                                                                               Hàng Trống

     

         Tranh cá chép (Lý ngư vọng nguyệt)  xuất hiện rất đặc trưng trong dòng tranh dân gian Hàng Trống

Loại tranh này thường được các nghệ nhân tranh Hàng Trống chạm bằng vàng hay bạc dát mỏng. Các nghệ nhân dòng tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ. Ván khắc tranh thường được làm bằng gỗ thị. Mực in truyền thống là mực Tàu nguyên chất. Đầu tiên, bức tranh thường chỉ có một bản mực đen, sau đó được tô màu bằng tay trên giấy. Tùy thuộc ý tưởng người vẽ, có tranh chỉ bồi một lớp giấy dó hay giấy báo, có tranh lại phải bồi hai hay ba lớp. Những bộ tranh khổ to và dài, người ta thường bồi dày, hai đầu trên dưới có lồng suốt trục để tiện treo, phù hợp với kiểu kiến trúc nhà cao, cửa rộng. Hiện nay, tranh Hàng Trống bị mai một, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng.

Ý nghĩa và giá trị của dòng tranh dân gian trong triển lãm lần này

Khuôn khổ của tranh Hàng Trống trong triển lãm lần này lớn hơn nhiều so với các dòng tranh dân gian khác. Những tác phẩm như Ngũ Hổ, Công, Cá, Ông Ba Mươi, Thầy đồ cóc, Đám cưới chuột, Lý ngư vọng nguyệt… cho thấy kỹ thuật khắc gỗ đạt đến trình độ tinh xảo, tuyệt hảo, đáp ứng nhu cầu chơi tranh của giới thị thành ngày xưa.

 Dòng tranh dân gian Hàng Trống một lần nữa khẳng định những giá trị trường tồn của nghệ thuật tranh dân                                                                                    gian Việt Nam

               Tín ngưỡng thờ Mẫu được tái hiện đặc sắc qua tranh Hàng Trống trong triển lãm lần này

38 tác phẩm tạo hình của 22 nghệ sĩ tranh dân gian Hàng Trống đã được thực hiện trên các chất liệu như lụa, sơn mài, giấy dó, sơn dầu, cùng 29 tranh dân gian Hàng Trống đã được thể hiện trên chất liệu giấy dó truyền thống và phản ánh được những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử. Qua triển lãm lần này, nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống lần này đã quảng bá hơn nữa nét đẹp của dòng tranh đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ngày xưa, không chỉ với giới trẻ, người yêu nghệ thuật trong nước và các bạn bè, du khách quốc tế yêu tranh Việt.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cũng bày tỏ hy vọng rằng trong lần trưng bày tiếp theo với những sáng tác nối dài của dự án “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” tại Văn Miếu cùng với những tác phẩm tranh Hàng Trống trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Quang Trung sẽ giúp thúc đẩy nhiều năng lượng sáng tác cho các họa sĩ trẻ khi lấy cảm hứng sáng tác từ văn hóa truyền thống và bản địa, cũng như thúc đẩy tình yêu và sự quan tâm của những nhà sưu tập và của công chúng, tìm tới các tác phẩm mỹ thuật truyền thống nói riêng cũng như các tác phẩm nghệ thuật nói chung.

                                                                Tác phẩm "Ông Ba Mươi"

Triển lãm “Đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống” lần này cũng là một sự nỗ lực kéo dài và thúc đẩy quá trình đưa những không gian di sản truyền thống trong đô thị tham gia sâu sắc hơn vào bức tranh của nền công nghiệp văn hóa sáng tạo, biến các không gian di sản truyền thống trở thành một mắt xích quan trọng thu hút sự sáng tạo của giới trẻ cũng như sự quan tâm của cộng đồng yêu nghệ thuật. Đây chính là cuộc đối thoại thú vị, làm cho ý nghĩa của những tác phẩm được mở rộng hơn, theo đó những câu chuyện của nghệ nhân lại được tiếp biến. Triển lãm hoàn thiện hơn với không gian rộng rãi của kiến trúc Tiền đường Nhà Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi trở thành địa điểm lý tưởng để kể lại câu chuyện truyền thống kết hợp với lối sắp đặt đương đại của lụa và sơn mài. Việc sáng tạo tiếp dòng tranh dân gian Hàng Trống chính là cách để bảo tồn các giá trị truyền thống.

 

                                                                   Tác phẩm "Gái năm Dần"

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám – ông Phát Lê Xuân Kiều cho rằng, triển lãm được hình thành dựa trên những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, họa sĩ trong hành trình gìn giữ, phát huy dòng tranh này trong đời sống đương đại. Đồng thời cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay học hỏi kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông. Đây cũng là dịp giới thiệu sản phẩm nghệ thuật được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh Hàng Trống nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung.

     Những bức bình phong của triển lãm lần này càng làm tôn lên thêm vẻ đẹp của không gian cổ kính trưng                                                                                      bày tranh 

                                                                     Cặp tác phẩm "Trống"

       Tác phẩm đôi giầy với sự cải tiến lồng ghép yếu tố truyền thống với cảm hứng từ tranh Hàng Trống

Trong triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” lần này, các tác phẩm được xếp đặt theo chủ ý theo từng cặp: một bên là tác phẩm gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và một bên là tác phẩm mới đương đại lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc. Cách trưng bày này tạo nên một cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại, giữa cũ và mới đầy thú vị.

Cùng thưởng lãm những tác phẩm đặc sắc trong triển lãm lần này:

                                                                    Lưỡng nghi sinh tứ tượng

                        Triển lãm lần này thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ yêu nghệ thuật

Thông tin triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” – Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn

Thời gian: Triển lãm kéo dài từ 6/7 đến 31/7/2023

Địa điểm: Nhà Tiền Đường, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 58 Quốc Tử Giám

Bài và ảnh: Linh Di

Chia sẻ :

BEST SELLER
Echoing
15,000,000 20,000,000
Trái tim Ấn Độ
10,000,000 15,000,000
Quay vòng
10,000,000 15,000,000
Trong rừng sâu
20,000,000 25,000,000
Năng lượng hạt nhân
10,000,000 15,000,000
Khởi đầu mới
10,000,000 15,000,000
Ký tự K
10,000,000 15,000,000