Thông tin triển lãm:
Chiều ngày 10/8/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có khai mạc triển lãm gốm nghệ thuật “Linh Thú thời nay”. Triển lãm giới thiệu các tác phẩm điêu khắc gốm về đề tài Linh Thú của Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước.
Thời gian: Từ 10/8 – 20/8/2023
Địa điểm: Tầng 1, nhà B – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Tới dự buổi khai mạc triển lãm “Linh Thú thời nay” có đông đảo bạn bè đồng nghiệp, người thân của Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước, cùng các cơ quan thông tấn báo chí và công chúng quan tâm tới triển lãm.
Triển lãm đã thể hiện được một cách hoàn hảo sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ điêu khắc trong việc sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng truyền thống với nét tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của tác giả. Thông qua đó, nghệ sĩ muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa và sâu sắc về truyền thống văn hóa, lịch sử của nước Việt.
Với sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của tác giả… đã tạo nên những tác phẩm gốm hiện đại mang giá trị thẩm mỹ cao, chứa đựng thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình tượng linh thú.
Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước tên thật là Trần Xuân Triều, sinh năm 1974, quê quán tại Thái Bình. Trần Nam Tước là nghệ nhân duy nhất được nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú Bát Tràng nhưng không sinh ra ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Thời mới về Bát Tràng, năm 1996, Trần Nam Tước chỉ mới là một thợ giúp việc trong các nhà lò gốm. Trong quá trình làm việc ở đây, ông đã luôn trau dồi, nghiên cứu, thể nghiệm và nhận thấy những giá trị của men gốm Bát Tràng. Với tư duy làm gốm riêng vốn có của mình, ông đã nhìn thấy những dòng men tưởng như rất đơn giản mà lại vô cùng xuất sắc. Nghệ nhân sử dụng chất liệu sản xuất đầu vào không cầu kỳ, chú trọng men với quan điểm và tôn chỉ làm gốm “đơn giản đầu vào, thận trọng đầu ra, tránh xa sap chép”.
Mặc dù là người đi sau kế thừa học hỏi tinh hoa, tuy vậy những sản phẩm của ông để lại được nhiều thương hiệu và dấu ấn cá nhân. Bên cạnh đó những dự án ông làm cũng tái hiện lại tinh hoa của làng nghề. Mỗi tác phẩm của Trần Nam Tước vì thế luôn được các chuyên gia đầu ngành đánh giá rất cao.
Cùng nhìn lại những kiệt tác "linh thú thời nay" trong triển lãm lần này