Họa sĩ David Thomas có một tiểu sử khá là đặc biệt. Ông là lính Mỹ và từng có thời gian trải qua chiến trường tại Việt Nam giai đoạn 1969 - 1970. Tuy là lính Mỹ nhưng họa sĩ lại có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, với chính đất nước mà ông tham gia đóng quân và chiến đấu. Họa sĩ đóng quân ở Pleiku, Tây Nguyên trong hơn một năm làm công việc hỗ trợ kỹ thuật chiến đấu, bao gồm cả việc sử dụng chất độc màu da cam, rồi trở lại quê hương năm 1970. Sau khi kết thúc nhiệm vụ của mình ở chiến trường Việt Nam, David Thomas tiếp tục sự nghiệp của mình với tư cách là một nghệ sĩ và thời gian chiến đấu ở Việt Nam đã đem lại cảm hứng cho ông để sáng tác loạt tác phẩm nghệ thuật về con người Việt Nam.
Họa sĩ từng tâm sự rằng ông luôn lưu giữ những kỷ niệm về đất nước và con người Việt Nam, đó là nụ cười của trẻ thơ vùng đất cao nguyên đầy nắng gió mỗi khi chúng vây quanh chiếc xe Jeep mà người lính trẻ dừng chân lại ở bất kỳ buôn làng nào. Họa sĩ David Thomas cũng cảm thấy xao động mỗi khi nhìn thấy những tâm hồn đẹp đẽ giàu chất thơ, niềm khao khát một cuộc sống hòa bình và sự quật cường vượt qua mọi gian khó thời chiến.
Họa sĩ trở lại Việt Nam năm 1987 và chuyến đi này đã trở thành chất xúc tác giúp ông sáng lập ra Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương (Indochina Arts Partnershipp) – một tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển nhiều hoạt động với mục đích giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt – Mỹ trong 30 năm nay.
Nghệ sĩ David Thomas bên cạnh những người bạn và cộng sự trong triển lãm lần này
"Mùa hoa tam giác mạch" - Một sáng tác của họa sĩ Đặng Thị Dương
Họa sĩ David Thomas cho biết: “Finding Parkinson là câu chuyện kể về về cuộc chiến chống lại căn bệnh thoái hóa thần kinh của chính tôi. Tôi được chẩn đoán bị mắc căn bệnh này vào năm 2015, hậu quả của việc phơi nhiễm chất độc màu da cam khi đóng quân tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1969-1970. Thông qua nghệ thuật của mình, tôi muốn mang đến cho bạn một góc nhìn vào thế giới riêng cũng như cuộc chiến chống lại bộ não của chính tôi”.
Những tác phẩm của ông được lồng ghép giữa hai bờ hiện thực và ảo mộng, giữa cơn giằng xé trong nỗi đau của bệnh tật mà họa sĩ đang phải gánh chịu với những ước vọng về một thực tại tốt đẹp hơn mà họa sĩ tạo nên. Trong tâm trí của họa sĩ, đó là thế giới có hoa, với những sắc màu tươi sáng, đối lập với những bản điện tâm đồ, bản chụp cắt lớp não xám xịt.
Các sáng tác đồ họa của họa sĩ lần này mang đậm dấu ấn hình bóng của chất độc màu da cam, thể hiện ở những thùng đựng hóa chất, những hình hài méo mó trong bình thủy tinh mà họa sĩ giãi bày từ nỗi đau của chính mình.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp, một trong 3 họa sĩ đứng ra tổ chức triển lãm cho biết, trong nhiều năm từ sau 1988, David Thomas và tổ chức IAP đã là cái tên và địa chỉ được biết đến nhiều nhất trong việc tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là IAP đã đứng ra bảo trợ và tổ chức những triển lãm lớn ngay trước và sau giai đoạn bình thường hóa quan hệ của hai nước Việt – Mỹ vào năm 1995. David Thomas và tổ chức IAP đóng góp rất lớn trong việc phát triển nghệ thuật đồ họa và tranh in ở Việt Nam. Chính vì những cống hiến to lớn đó với nghệ thuật Việt Nam, năm 1999, David Thomas trở thành họa sĩ nước ngoài đầu tiên được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa của Việt Nam. Năm 2010, ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2015, David Thomas được chẩn đoán là bị mắc chứng bệnh Parkinson, căn bệnh được xác định là có liên quan đến việc bị phơi nhiễm do tiếp xúc với chất độc màu da cam. Ngày 14/12/2020, lần đầu tiên họa sĩ có cơ hội nhìn thấy bộ não của mình sau khi chụp cắt lớp MRI não. Những bản chụp này đã thôi thúc người nghệ sĩ tài hoa này sáng tạo nên những hình ảnh trực quan về cuộc chiến cam go với căn bệnh não của mình.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, họa sĩ David Thomas là một người bạn ân tình của các họa sĩ Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Bằng những nỗ lực của mình, họa sĩ đã tận tụy hỗ trợ các phương tiện để góp phần phát triển nền mỹ thuật Việt Nam, trong khi chính bản thân ông cũng phải vật lộn để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Tác phẩm của Lê Lang Lương
Hoạ sĩ Phạm Huy Thông - một trong 21 nghệ sĩ Việt tham gia triển lãm, cho biết: “Điều tôi cảm thấy vui là tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của đa dạng người xem, già có, trẻ có, cựu chiến binh có và cả lớp trẻ hoàn toàn sinh sau Đổi mới”.
Triển lãm này Phạm Huy Thông đem đến tác phẩm có tên “Thoát xác” vô cùng ấn tượng. Đó là tác phẩm tái hiện lại một phần của chiến tranh – một chiếc mũ của linh Mỹ bị bắn thủng lỗ chỗ cả đằng trước, hai bên và phía sau – với chằng chịt những vết đạn và vệt máu đỏ còn hằn nguyên trên đó. Nó chỉ ra sự nghiệt ngã của chiến tranh, máu và cái chết. Phạm Huy Thông gắn những cánh chim hòa bình bay ra từ những lỗ thủng đó, ngụ ý rằng sự sống sẽ nảy sinh từ cái chết.
Chiếc mũ cối xuất hiện như để minh chứng cho một hiện vật còn sống mãi với thời gian - Tác phẩm "Thoát xác" của họa sĩ Phạm Huy Thông
Bằng nghệ thuật, David Thomas trong triển lãm lần này không chỉ được xem là một sứ cống hiến và giao thoa nghệ thuật mà ông còn như một đại sứ gửi đi thông điệp hòa bình: “Chiến tranh là điều khủng khiếp, hậu quả của nó cũng như hậu chất độc da cam để lại là sự đau đớn và dai dẳng. Hãy để nghệ thuật hàn gắn và chữa lành những vết thương đó”.
Triển lãm lần này không chỉ giúp tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa hai nước Việt – Mỹ, mà còn là cơ hội tốt để các họa sĩ trong nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các nghệ sĩ nước ngoài, đặc biệt là tăng cường mảng sáng tác tranh đồ họa. Triển lãm lần này là sự phản ánh một cách chân thực và sinh động về chiến tranh, đó là những nỗi đau chiến tranh của hai nước và những hậu quả nặng nề và dai dẳng mà chất độc màu da cam đã gây ra cho toàn thể nhân loại nói chung cũng như nhân dân hai nước Việt – Mỹ.
Triển lãm “David Thomas và Những Người Bạn” lần này không chỉ đơn thuần là cuộc trao đổi nghệ thuật giữa những nghệ sĩ hai nước, mà còn là cơ hội để gắn kết tình cảm và giá trị tinh thần, về vẻ đẹp nghệ thuật. Họa sĩ David Thomas, bằng những nỗ lực của bản thân, đã có những đóng góp lớn lao và vô cùng đáng trân quý, đề cao để khởi chạy và xây dựng những hoạt động nhằm mục đích hàn gắn và tạo sự hiểu biết lẫn nhau, trở thành cầu nối giữa hai dân tộc từng có một quá khứ chung nhiều đau thương. Tuy từng trải qua biến cố đau thương và mất mát trong quá khứ nhưng thông qua triển lãm “David Thomas và Những Người Bạn”, các nghệ sĩ đã chứng tỏ được sức sống và giá trị của vẻ đẹp nghệ thuật, về sự kết nối của cảm xúc và thẩm mỹ, đó còn là sự đồng hành khép lại những tổn thương ở quá khứ để cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng.
Nghệ sĩ: David C. Thomas, Bùi Hải Sơn, Đào Châu Hải, Đặng Thị Dương, Đặng Xuân Hòa, Lê Huy Tiếp, Lê Kinh Tài, Lê Lạng Lương, Lê Quốc Việt, Lê Thị Hiền, Lê Thừa Tiến, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Vũ Quyên, Phạm Huy Thông, Phan Cẩm Thượng, Phan Oánh, Trần Lương, Vũ Bạch Liên và Vũ Kim Thư.
Đơn vị tổ chức và bảo trợ triển lãm: Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chương trình đồng thời nhận được hỗ trợ từ bà Tuyền Nguyễn, Quỹ Kim Long và Thanh Uy Art Gallery, G. Bee CHUA (Zen Collection) và Patron Art Space.
Nghệ sĩ: David C. Thomas, Bùi Hải Sơn, Đào Châu Hải, Đặng Thị Dương, Đặng Xuân Hòa, Lê Huy Tiếp, Lê Kinh Tài, Lê Lạng Lương, Lê Quốc Việt, Lê Thị Hiền, Lê Thừa Tiến, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Vũ Quyên, Phạm Huy Thông, Phan Cẩm Thượng, Phan Oánh, Trần Lương, Vũ Bạch Liên và Vũ Kim Thư.
Đơn vị tổ chức và bảo trợ triển lãm: Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chương trình đồng thời nhận được hỗ trợ từ bà Tuyền Nguyễn, Quỹ Kim Long và Thanh Uy Art Gallery, G. Bee CHUA (Zen Collection) và Patron Art Space.
Thông tin về triển lãm:
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
Thời gian: Khai mạc 16h ngày 24/4
Thời gian: Trưng bày từ 24/4 đến hết ngày 29/4/2023
Triển lãm mở cửa tự do cho công chúng