SỰ CHỒNG CHẬP CỦA CÁC ĐỐI NGHỊCH
Trần Đán
Trong loạt tranh này tôi muốn làm hiển lộ tính chất phổ quát nhất của các mối liên hệ trong 3 thế giới - vật chất, cảm xúc và tư tưởng. Tính chất đó theo tôi là tính bất ổn giữa các thuộc tính đối nghịch, đưa đến trạng thái chao đảo giữa cân bằng và hỗn loạn.
Trong thế giới vật chất, gần đây nhất, những khám phá về vật lý lượng tử đã phủ bác cái thế giới tỏ tưởng trước đó, và phát hiện một thế giới vô cùng bất định, một thế giới mà một vật thể có thể cùng lúc có vô số bản thể khác nhau (ví dụ hạt và sóng) và hiện hữu cùng lúc ở vô số nơi - trạng thái mà vật lý lượng tử gọi là trạng thái "chồng chập"; và nhà vật lý trẻ tuổi Mỹ Hugh Everett gọi là “đa thế giới“. Chính điều này từng làm nhà vật lý Einstein không tin và phải sửng sốt thốt lên "Thượng đế không bao giờ chơi trò xúc xắc với vũ trụ”, khiến ông đã bị một lãnh tụ phe lượng tử Niels Bohr biếm nhạo “Đừng bao giờ bảo Thượng Đế được hay không được làm gì.”
Do đó tranh của Trần Đán hiển thị những vật thể ở tư thế chênh vênh, chao đảo, nhập nhằng - một hình chữ nhật nằm cheo leo trên đỉnh một hình tam giác, những hình tròn “cưỡi” hình sóng, hay trong hình chữ nhật phôi thai hình tam giác và hình tròn.
Ứng dụng vào thế giới cảm xúc, ta có thể liên tưởng các hình kỷ hà như biểu tượng của các cảm xúc khác nhau. Ví dụ hình chữ nhật biểu tượng cho nỗi buồn và hình tam giác cho cảm xúc đối nghịch là niềm hân hoan. Có phải tất cả chúng ta đều đã có lúc cảm thấy vui buồn lẫn lộn? Hay yêu ghét lẫn lộn? Hay hi vọng và tuyệt vọng đan xen? Như khi nhà soạn nhạc Dương Thụ nói, "Tôi mơ... không có mất mát, không có đổ vỡ, không có chia tay. Điều đó không bao giờ, tôi biết, không bao giờ. Nhưng tôi vẫn mơ."
Những hiện tượng đó cũng xuất hiện trong thế giới tư tưởng. Phải chăng những tư tưởng sáng tạo đồng thời hàm chứa yếu tố tái sinh nhân bản lẫn yếu tố hủy diệt? Ví dụ phát hiện của bà Marie Curie về phóng xạ vừa mang yếu tố tái sinh nhân bản trong xạ trị các bệnh ung thư và đồng thời mang yếu tố hủy diệt của bom hạt nhân. Về mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, cũng thế, trong các thời kỳ quá độ các tư tưởng ở trạng thái chồng chập nhau, chênh vênh giữa cân bằng và hỗn loạn.
Tranh của Trần Đán khơi dậy cái thế giới bất định, bất ổn, chồng chập đó nhưng cũng phản ảnh niềm hy vọng con người tìm được sự cần bằng để tồn tại.
Trần Hải Minh
Làm chủ bút pháp sáng tạo và nhất quán trong cách thể hiện, họa sĩ Trần Hải Minh với con đường biểu hiện nghệ thuật độc đáo, trong khoảng hai năm 2020 – 2021 đã sáng tác hơn 70 bức tranh khổ lớn và nhỏ chất liệu acrylic, sơn dầu trên toan. Triển lãm lần này “trưng bày” những cung bậc cảm xúc, để người xem được nhìn thấy những tác phẩm thăng hoa trong im lặng. Trần Hải Minh được học tập và nghiên cứu phong cách trừu tượng biểu hiện với những bậc thày của hội họa thế giới khi anh là sinh viên tại Berlin. Đã nhiều năm qua, anh cặm cụi làm việc, sáng tạo, thực hành nghệ thuật trong không gian riêng tại M Galery Thành phố Dĩ An – Bình Dương.
Người họa sĩ dồn tất cả tâm huyết sáng tạo cho nghệ thuật trừu tượng biểu hiện. Cô đơn, tài hoa và luôn trăn trở với nghệ thuật sáng tạo, điều này thúc đẩy anh tìm một “cõi riêng” cho không gian sống và thực hành nghệ thuật của mình. Hội họa Trần Hải Minh như những bản nhạc giao hưởng, bút lực của anh khi bùng nổ, tràn trề cảm xúc, khi tiết chế đúng lúc, đúng thời điểm, tất cả màu sắc và âm thanh hòa quyện thành bản giao hưởng đẹp đẽ thăng hoa. Màu sắc là ngôn ngữ của phong cảnh, của tâm trạng, của toàn bộ nhận thức của Trần Hải Minh về thế giới vật chất. Màu trong tranh Trần Hải Minh là thế giới nội tâm của anh. Là bình minh, là hoàng hôn và những đêm cô đơn trong thế giới hội họa, hay những trăn trở suy tư về cuộc sống, có cả tính biểu hiện và sự trần trụi cảm xúc. Chiều sâu và sự thu hút trong tranh trừu tượng biểu hiện của Trần Hải Minh luôn hiện hữu mạnh mẽ, vì ở đó ta luôn nhìn thấy một không gian mở ra. Luôn có một góc trời, có những góc gợi hình ảnh một vật thể từ thiên nhiên, con người… Không gian không phải là 2 chiều phẳng bẹt, mà luôn gợi đến 3 chiều, một không gian mở ra. Đó cũng là một điều mới của Trừu tượng Biểu hiện mà ít hoạ sĩ vẽ theo cách này. Đó cũng là sự khác biệt của Trần Hải Minh.
Trần Hải Minh đi con đường độc đạo, để bộc lộ sự sáng tạo từ con người của mình. “Tôi qua trời Âu học để trở thành nghệ sĩ người Việt có kiến thức châu Âu, không phải thành một nghệ sĩ châu Âu. Chính những đường nét táo bạo, màu sắc mạnh mẽ và sự tự do trong cách vẽ, mới thể hiện được bản ngã sáng tạo của người họa sĩ. Trần Hải Minh đã dành gần như cả cuộc đời mình cho trường phái trừu tượng biểu hiện, để anh có thể tự hào về những bức tranh của mình. Những bức tranh nói lên bản thân anh là ai và những thăng trầm mà anh đã trải trên con đường đã chọn.
Sáng tạo, sáng tạo, đó là chứng chỉ duy nhất của tài năng!
Câu nói này của anh, thể hiện quan điểm sáng tạo, sống và làm việc của họa sĩ Trần Hải Minh.
Về họa sĩ Trần Hải Minh (1962 – Hà Nội)
1977 – 1982 Sinh viên hệ trung cấp Mỹ thuật 5 năm tại Đại học Mỹ Thuật Việt nam
1982 Thi đỗ vào trường Đại Học Mỹ thuật Việt Nam hệ Đại học, bảo lưu để thực hiện nghĩa vụ quân sự
1982 – 1984 Thực hiện nghĩa vụ quân sự, phục vụ tại Bộ tư lệnh pháo binh QĐND Việt nam
1985 Sinh viên năm thứ 1 tại Đại học Mỹ Thuật Việt nam
1985 – 1986 Học tiếng Đức tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội
1987 – 1993 Sinh viên Đại học Nghệ thuật Berlin – (Kunstshochule – Weissensee)
1993 Tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Nghệ thuật Berlin
1992 – 1997 Sống và vẽ tại Berlin
1997 tới nay, Sống và vẽ tại Berlin và Thành phố Hồ Chí Minh
Trong mươi năm gần đây, xảy ra những chuyển biến tích cực trong môi trường nghệ thuật Việt Nam. Tranh trừu tượng của Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ ở miền Nam trước 75, cũng như những bức trừu tượng hiếm có của Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, được giới thiệu lại với công chúng. Tranh của Đào Trọng Lưu khơi dậy âm nhạc cổ điển Tây phương. Phạm An Hải thử nghiệm với Trừu tượng biểu hiện với tinh thần Á đông kiệm màu. Bùi Thanh Thủy nhòa màu rất nữ tính theo phong cách trừu tượng trữ tình, tuy cô dùng acrylic nhưng trông như màu nước trên lụa. Nguyễn Vân Chung triệt để tối giản: trong một số tranh, chỉ vỏn vẹn một đường quẹt sơn đen bằng một cây chổi dùng thay cọ trên nền trắng: Rất thiền! Trần Lưu Mỹ mạnh mẽ tìm cách thoát ly bóng của cha Trần Lưu Hậu trong cuộc triển lãm lần đầu thành công năm 2020. Và rất nhiều họa sĩ khác.
Vào thời điểm này vì sao các họa sĩ lại đâm ra say mê phong cách này? Vì sao công chúng và các nhà sưu tập bỗng dưng vồn vã? Phải chăng có một sự trưởng thành về nhận thức mỹ cảm?
Nhắc lại sự ra đời của phong cách Trừu tượng biểu hiện tại Mỹ là để giúp ta phần nào diễn giải vì sao ngày hôm nay, vào thập niên 2010, tức gần 50 năm sau, tại một nước xa xôi như Việt nam, phong cách đó lại được cả họa sĩ lẫn người xem yêu chuộng. Tôi không dám tự xưng mình là một nhà xã hội học, nhưng tôi có thể suy đoán, việc tư duy con người phản ảnh môi trường xã hội xung quanh là không tránh khỏi. Đối với các nước tiên tiến, có thể Trừu tượng biểu hiện không còn mới mẻ, nhưng đối với Việt nam đó là một luồng gió mới. Nó thổi lên một miền đất khô cằn, đang trông đợi cơn mưa rào.
Từ khi ra trường đến nay, anh chỉ vẽ theo lối Trừu tượng biểu hiện. Nguyễn Trung nửa đường thì bỏ sang vẽ các cô gái lãng mạn, thơ mộng. Ông không đi tận cùng của tinh thần Trừu tượng biểu hiện. Một số khác vẽ Trừu tượng biểu hiện có vẽ máy móc, rụt rè, cẩn thận, như những con sông trôi giữa hai bờ đê. Một số khác nữa thiếu “bản năng” về màu sắc, một năng khiếu do bẩm sinh nhiều hơn do đào tạo từ trường lớp. Có thể nhận thấy từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, gam màu của anh không kém gì Matisse, Gauguin hay Kandinsky. Trong mỗi bức tranh, anh chọn màu như anh chọn những quân lính trung kiên, cùng nhau lâm trận. Anh cho chúng quần thảo nhau một cách bất ngờ, ngẫu hứng. Anh sử dụng đường nét rất chừng mực, như những vệt tàn dư của ký ức. Về bút lực, ta cảm nhận được sức mạnh của sơn vuột ra khỏi cọ vồ lấy nền toan. Hơn nữa một lớp sơn chưa đủ, họa sĩ còn chồng lên nhiều lớp khiến màu sắc ẩn hiện, tăng cường kịch tính thị giác, khiến ta muốn biết “cái gì bên sau.” Toàn thể bức tranh là một giòng thác của màu chảy vào màu, nét nhập vào nét, sơn che lấp sơn. Có thể nói hoạ sĩ đã nhập vào sắc màu. Nó không đòi hỏi một tư tưởng nào được cài cắm. Bức tranh không nói về tự do, vì chính nó đã là biểu thị (làm hiện ra) sự tự do. Và đó chính là tinh thần của Trừu tượng biểu hiện!
Kỹ thuật của Trần Hải Minh ngày càng tinh xảo. Vì sao? Vì anh không ngại thử nghiệm. Nhiều hôm anh trăn trở: Dùng cọ mềm hay cứng? Có nên pha trộn gì vào sơn? Dùng acryilic nước hay bột? Bao nhiêu lớp sơn thì đủ biểu hiện các cảm xúc chồng chất? Bồi thêm đến bao giờ thì đủ? Bôi đến bao giờ thì dừng? Đúng như lời mô tả của nhà phê bình Rosenberg: “trong bức tranh Trường tượng biểu hiện bạn sẽ không gặp một hình ảnh mà sẽ bước vô một đấu trường!” Họa sĩ vật lộn với cảm xúc vô hình: bức tranh là máu và mồ hôi chuyển thành di tích của cuộc tranh vật đó.
Người ta nghĩ anh được vô thức dẫn đắt khi vẽ, nhưng không đúng, vô thức thường mang nặng những buồn vui của linh hồn, những dằng xéo của cái tôi, đằng này, theo tôi, cái duy nhất dẫn dắt hội họa Trần Hải Minh là sự tương tác giữa cảm xúc và trí tuệ của anh với vật liệu và thao tác, tạo ra một năng lượng nội tại chất chứa trong bức tranh, sẵn sàng giao thoa với người xem. Cái mà tranh của Trần Hải Minh đã phóng thoát không phải là cái buồn vui của chính anh, mà là cái buồn vui của sơn, của bút, của toan. Anh thật sự đã nhập vào tinh thần của chất liệu.
Anh không tự thỏa dễ dàng, không ngại tự kiểm. Nhiều ngày anh thú nhận với tôi anh đã đốt một vài bức tranh không được vừa lòng, “không đến nơi đến chốn.” Vì sao thì khó có ai giải thích được, họa sĩ lại càng không. Không phải vì Trừu tượng biểu hiện là điệu vũ của ngẫu hứng và tự do mà “cái gì cũng chấp nhận được.” Không, nếu ta nghe bài God Bless the Child qua giọng hát của Billie Holiday và qua giọng hát của nữ ca sĩ jazz khác như Diana Ross, Aretha Franklin, Hary Belafonte, v.v... thì cách diễn đạt của Billie Holiday chắc chắn có hồn hơn. Tôi tôn trọng một nghệ sĩ khó tính với chính mình.
Với hơn 30 năm tìm tòi thử nghiệm anh đã dần loại bỏ các ảnh hưởng ngoại lai từ các bậc thầy Trừu tượng biểu hiện như Willem de Kooning, Antonie Tapies, Ashyle Gorky, Anselm Kieffer, cũng tương tự như những người này, trong những bước đầu gian nan của họ, đã dần dần loại bỏ ảnh hưởng của trường phái Siêu thực, Biểu hiện, Ấn tượng đi trước. Học của người trước đã khó. Bỏ đi những gì đã học lại càng khó gấp bội.
Với tinh thần “tiên phong”, họa sĩTrần Hải Minh sẽ không dừng thử nghiệm, không dừng phá cách với chính mình, không dừng gột bỏ những ảnh hưởng từ ngoài, để đem lại cho chúng ta những tác phẩm ngày càng phiêu lưu, ngày càng “Hải Minh”. Một số phác thảo cho những hướng đi trong tương lai của anh, bỏ lại đằng sau những gì anh làm ngày hôm nay, không phải để phủ nhận nó, mà là để giải phóng năng lượng sáng tạo dưới nhưng dạng khác. Do đó có thể khẳng định Trừu tượng biểu hiện chỉ là một trạm dừng của Trần Hải Minh trên hành trình vạn dặm."
Thông tin triển lãm:
Địa điểm: Tầng 2, TTTM Mipec Long Biên - Số 2 Long Biên II, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà NộiKhai mạc: Chủ Nhật, 23/4/2023, từ 17h00 đến 20h00
Thời gian trưng bày: 23/4 đến 5/5/2023
Cuộc tọa đàm về Nghệ thuật: Cùng địa điểm, thứ 3 ngày 25/4 từ 17h00 đến 19h00
Buổi giới thiệu sách: “Vòng luân hồi của cái Đẹp” của họa sĩ Trần Đán, cùng địa điểm, thứ Bảy 29/4 lúc 10h00 đến 12h00