“Chụm” là cái tên ngắn gọn cho triển lãm hội họa của bốn họa sĩ Phạm Văn Trọng, Phạm Xuân Trung, Lê Đức Tùng và Chu Văn. “Chụm” thể hiện sự đoàn kết, chung sức khi bốn họa sĩ lần đầu tiên trưng bày các tác phẩm cùng nhau tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Họ có nhiều năm sáng tác chuyên nghiệp, mỗi người đều đã có lối đi riêng ít nhiều tạo dấu ấn qua các hoạt động triển lãm trong nước những năm gần đây. Trưng bày triển lãm chung dưới cái tên “Chụm” cho thấy họ ý thức rõ một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp gồm có sự tập hợp của nhiều cá tính, quan điểm nghệ thuật đa dạng.
Gần 40 tác phẩm của 4 họa sĩ đa số là tranh phong cảnh, tĩnh vật – những thể loại quen thuộc nhưng tiếp cận dưới góc quan sát, tạo hình riêng, chất lượng, thẩm mỹ.
Hội họa của Phạm Văn Trọng chịu ảnh hưởng từ trường phái Ấn tượng, anh ưa thích phong cảnh thiên nhiên góc nhìn rộng, không gian lớn, cảm xúc rõ ràng bằng các vệt bút nhanh, đa hướng, không kỹ ở chi tiết mà nhấn mạnh ấn tượng màu sắc và ánh sáng, sắc thái của bầu trời trong những ngày nhiều mây, nhiều nắng, màu phản quang trong không khí và mặt nước – những tiêu chí quan trọng đã tạo ra sức hấp dẫn lớn của họa phái Ấn tượng.
Tranh sơn dầu loa kèn và hoa hồng gấy của họa sĩ Phạm Văn Trọng gây ấn tượng rất lớn đến nhiều người yêu thích tĩnh vật
Tiếp nối chủ đề phố, vẫn kiên trì theo đuổi lối vẽ hiện thực, trong triển lãm lần này họa sĩ Phạm Xuân Trung muốn giới thiệu 1 series những bức vẽ tàu thuyền neo bến. Những con thuyền, bến bãi, không hề có bóng người, không hề có không khí lao xao náo nhiệt, cũng không có nét u hoài rêu phong lãng mạn. Chúng như những sinh thể mệt mỏi lam lũ nhuộm trong sắc nâu đỏ hoen gỉ, mục rữa, lãng quên… nằm trơ giữa không gian rộng lớn, vừa hiện thực vừa xa xôi, vừa mang đầy nỗi lòng của tác giả. Hội họa của Phạm Xuân Trung cương nghị rõ ràng, mạch lạc, rất kỹ lưỡng các chi tiết trong một tổng thể đậm chất đời sống, một phong cách hiện thực riêng – hiện thực của đồng cảm, thấu hiểu.
Lê Đức Tùng từng có triển lãm cá nhân về tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2021, một triển lãm thể hiện rõ ưu thế chất liệu sang trọng cổ điển. Lần này ngoài hoa và phong cảnh, họa sĩ Lê Đức Tùng còn giới thiệu tới công chúng những bức nữ khỏa thân kín đáo, một thử thách với sơn mài khi hướng tới vẻ đẹp tả thực chất da thịt, khối và ánh sáng. Sáng tạo của Lê Đức Tùng đáng chú ý với 2 bức nữ nude bố cục hình oval và 2 bức bố cục dọc 126 x 40 cm, chúng là những cơ thể thanh nữ mềm điệu đặt trên nền trừu tượng tương phản về chất và hình. Tùng thường xuyên tạo ra một nền tranh phong phú nhiều lớp sơn/ màu, vỏ trứng, vàng, bạc bổ trợ cho motif tạo hình ở chỉnh thể chính/ phụ hấp dẫn đầy kỹ thuật.
Những nỗ lực trong dòng tranh sơn mài của Lê Đức Tùng thể hiện hành trình sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của anh
Chu Văn vẽ tĩnh vật hoa, phong cảnh như “chơi” với hình và nền, một sự gạn lọc các đặc điểm hình, màu của đối tượng, đặt những bố cục bất ngờ trên nền không gian không có phối cảnh, không có chiếu ánh sáng nhưng có thể “nở” ra các hướng trên dưới trái phải nhờ các lớp sắc độ tinh tế của kết cấu bề mặt (texture) nhấn nhá đậm, nhạt dày, mỏng những vị trí gợi tả rất ý nhị. Hội họa của Chu Văn có thể mạnh ở bút pháp mảng lớn, nét tinh, hòa sắc thiên gam lạnh trên nền ghi xám trung tính – một thẩm mỹ hiện đại mà gần gũi với họa phái cổ phương Đông.
Tranh sơn dầu của họa sĩ Chu Văn gây ấn tượng mạnh bởi lối vẽ kiệm màu và phong cách vẽ tranh đơn sắc
Triển lãm hội họa “Chụm” của Phạm Văn Trọng, Phạm Xuân Trung, Lê Đức Tùng, Chu Văn trưng bày các tác phẩm từ 20/6 đến 25/6/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Kính mời bạn yêu nghệ thuật đến thưởng thức triển lãm!